Chốt giảm phí trước bạ: thị trường ô tô “thở phào”, chờ bùng nổ doanh số
Sau chuỗi ngày kinh doanh ảm đạm, ế ẩm, thị trường ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước được kỳ vọng sẽ bùng nổ doanh số, khi Chính phủ đã chốt phương án giảm 50% phí trước bạ trong 3 tháng.
“Nín thở” chờ bùng nổ doanh số
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận số 384/TB-VPCP của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của thành viên Chính phủ đối với dự thảo Nghị định quy định mức thu lệ phí trước bạ  đối ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Cuộc họp được tổ chức vào ngày 15/8 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Tài chính, phát biểu của các Phó Thủ tướng và các đại biểu dự họp, Thường trực Chính phủ thống nhất kết luận thực hiện giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời gian 3 tháng thay vì giảm 6 tháng như đã báo cáo, xin ý kiến Chính phủ trước đó.
Trước đó, thị trường ô tô Việt Nam từng 3 lần được Chính phủ ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, mỗi lần có hiệu lực 6 tháng.
Lần đầu tiên, áp dụng 6 tháng cuối năm 2020, lượng xe lắp ráp trong nước bán ra tăng kỷ lục, đạt tới 398.177 xe, gấp 2,03 lần so với 6 tháng đầu năm 2020.
Lần 2 áp dụng 6 tháng từ 1/12/2021 đến 31/5/2022, lượng xe trong nước bán được 232.192 xe. Trung bình 5 tháng đầu năm 2022, doanh số xe trong nước đạt 33. 690 xe/tháng, cao gấp 1,5 lần so với con số trung bình trong 7 tháng cuối năm 2022. Lần 3, áp dụng 6 tháng cuối năm 2023, doanh số xe trong nước đạt 176.483 xe, tăng 1,6 lần so với 6 tháng đầu năm 2023.
Trước đó, theo đề xuất của Bộ Tài chính, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ áp dụng trong 6 tháng, từ 1/8/2024 - 31/1/2025. Tuy nhiên, đã bước qua những ngày đầu tháng 8/2024, chính sách giảm thuế trước bạ chưa được ban hành đã khiến thị trường ô tô trở nên ảm đạm. Vì vậy, thông tin chính sách giảm lệ phí trước bạ sắp ban hành, nhiều nhân viên kinh doanh ô tô khấp khởi hy vọng doanh số thị trường ô tô sẽ tăng mạnh vào dịp cuối năm.
Quản lý bán hàng của Honda Mỹ Đình Lương Thanh Tuấn chia sẻ, mấy tháng gần đây, doanh số bán hàng của đại lý sụt giảm. Lý do chính bởi nhiều khách hàng có tâm lý chờ thời điểm chính thức giảm lệ phí trước bạ mới bắt đầu “chốt” mua. Với những dòng xe của Honda lắp ráp trong nước như CR-V hay City, khách hàng sẽ tiết kiệm thêm khoảng 30-65 triệu đồng nhờ vào chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ. Số tiền này đủ lớn để nhiều người hoãn lại việc tậu xe của mình.
Hiện thị trường xe Việt đang bước vào tháng suy giảm doanh số do tâm lý hạn chế mua xe do tháng Ngâu (tháng 7 âm lịch). Với chính sách giảm lệ phí trước bạ được kích hoạt, rất có thể bắt đầu từ tháng 9/2024, thị trường xe Việt sẽ sôi động trở lại.
Là người có nhu cầu mua ô tô mới, anh Đồng Văn Đạt (Mỹ Đức, Hà Nội) đã tìm hiểu khá kỹ về một chiếc xe ô tô cỡ nhỏ sản xuất trong nước của THACO có giá gần 700 triệu đồng từ tháng 6. Tuy nhiên, vì chờ chính sách giảm lệ phí trước bạ nên đến thời điểm này anh vẫn chưa đặt cọc và đăng ký. “Nếu được giảm 50% lệ phí trước bạ, có thể tiết kiệm thêm được gần 40 triệu đồng. Vì vậy, tôi chờ đến khi nào chính thức được giảm phí mới chốt mua. Tôi mong Chính phủ sớm ban hành chính sách để người dân nắm được lộ trình, từ đó có tính toán phù hợp” – anh Đạt cho chia sẻ.
Doanh nghiệp đừng chỉ ỷ lại chính sách
Hiện, lệ phí trước bạ đối với ô tô mới là 12% áp dụng tại TP Hà Nội và một số tỉnh thành lớn. Các tỉnh còn lại áp dụng mức 10%.
Dự kiến, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể làm giảm thu ngân sách Nhà nước bình quân khoảng 867 tỷ đồng/tháng. Ngoài ra, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể tác động đến cân đối thu ngân sách Nhà nước của các địa phương.
Trên thực tế, quá trình triển khai thực hiện chính sách giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thời gian qua về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra khi ban hành, có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất và phân phối ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước nói riêng và đối với nền kinh tế nói chung.
Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ Tài chính, bên cạnh những mặt đạt được cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước cũng có những tác động tiêu cực đối với ngân sách Nhà nước và về mặt cam kết quốc tế.
TS Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp – Thương mại (Bộ Công Thương) lưu ý, chính sách giảm lệ phí trước bạ chỉ là giải pháp tình thế ngắn hạn trước mắt. Về dài hạn, Chính phủ nên có các phương án thúc đẩy khuyến khích đầu tư cho ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô. Từ đó gia tăng được sản xuất các linh phụ kiện ở trong nước, tăng được tỷ lệ nội địa hóa, từ đó giảm được giá xe sản xuất trong nước. Tiếp đến, cần cân nhắc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hiện đang khá cao.
Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ là cú huých kích cầu tiêu dùng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đừng chỉ trông chờ ỉ lại vào chính sách của Nhà nước. Cùng với chính sách giảm lệ phí trước bạ, các hãng nên thực hiện các chương trình khuyến mãi đi kèm để tạo lợi thế cạnh tranh.
“Yếu tố quan trọng nhất để phát triển ngành công nghiệp ô tô chính là sản lượng lớn. Do vậy, chính sách hỗ trợ thuế phí, hỗ trợ người mua và các giải pháp kích cầu mạnh mẽ, ổn định từ các DN sẽ góp phần tạo sức cạnh tranh lâu dài cho xe trong nước” – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
>> Gọi tên doanh nghiệp niêm yết được hưởng lợi lớn nhờ việc giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô