Dự án nhiệt điện khí LNG Quỳnh Lập có công suất lên tới 1.500MW.
Thủ tướng vừa phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Dự án nhiệt điện khí LNG Quỳnh Lập là 1 trong 14 dự án nhiệt điện sử dụng khí LNG thuộc danh mục các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện tới năm 2030, nhằm đưa tổng công suất nhiệt điện LNG cả nước đạt 22.400MW.
Theo kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, dự án nhiệt điện khí LNG Quỳnh Lập có công suất 1.500MW được triển khai tại Nghệ An, dự kiến năm vận hành là 2029-2030. Tuy nhiên, kế hoạch cũng chỉ rõ, quy mô chính xác của các nhà máy điện trong danh mục trên sẽ được xác định cụ thể, phù hợp với gam công suất của tổ máy trong giai đoạn triển khai dự án.
Trước đó, tháng 11/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương dừng thực hiện Trung tâm nhiệt điện Quỳnh Lập (bao gồm nhiệt điện than Quỳnh Lập I và nhiệt điện Quỳnh Lập II) sau thời gian dài không thực hiện.
Phối cảnh Dự án Nhiệt điện than Quỳnh Lập I, II tại Quy hoạch điện VII và đã được Thủ tướng Chính phủ đưa ra khỏi Quy hoạch điện VIII |
Hai dự án nhiệt điện trên có tổng công suất 2.400MW, chỉ tính riêng tổng mức đầu tư giai đoạn 1 đã lên đến khoảng 2,2 tỷ USD do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư.
Tiếp đó, UBND tỉnh Nghệ An đã có Văn bản số 975/UBND-CN ngày 8/12/2021 đề nghị Chính phủ cho phép chuyển 2 dự án nhiệt điện than Quỳnh Lập I, II thành dự án Nhiệt điện khí LNG.
Sau đó, trong Quy hoạch điện VIII được phê duyệt vào tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ thống nhất chấm dứt dự án nhiệt điện Quỳnh Lập I, II; thay vào đó, yêu cầu sẽ xem xét quy hoạch các vị trí tiềm năng tại khu vực Quỳnh Lập (Nghệ An) hoặc Nghi Sơn (Thanh Hóa) để xây dựng nhà máy nhiệt điện LNG Quỳnh Lập/Nghi Sơn trong giai đoạn 2021-2030 với công suất 1.500MW.
Thời điểm cuối năm 2023, Bộ Công Thương đề xuất với Thủ tướng Chính phủ chọn địa điểm phát triển điện LNG tại Quỳnh Lập hoặc Nghi Sơn.
Các thông tin về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của hai khu vực nghiên cứu dựa trên các tài liệu, dữ liệu sơ bộ sẵn có, thu thập được tại thời điểm này. Cách thức nghiên cứu, xem xét áp dụng theo phương pháp/tiêu chí sử dụng để đánh giá, lựa chọn các địa điểm dự án quan trọng ưu tiên đầu tư của ngành điện quy điện tại Quyết định số 500/QĐ-TTg cũng như đã được sử dụng trong quá trình thành lập Quy hoạch Điện VIII.
Cụ thể, các nhóm tiêu chí chủ yếu được xem xét, đánh giá gồm: Sự phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển nguồn điện và phương án đấu nối với hệ thống quốc gia; Khả năng cung cấp LNG đến địa điểm nhà máy và các điều kiện kỹ thuật của địa điểm xây dựng nhà máy.
Kết quả nghiên cứu cho thấy 2 khu vực địa điểm có các điều kiện kinh tế, kỹ thuật khá tương đồng và đều đáp ứng để phát triển một nhà máy điện LNG 1.500MW. Tuy nhiên, địa điểm Quỳnh Lập có điều kiện thuận lợi hơn do tận dụng được mặt bằng có sẵn, được quy hoạch phát triển nhà máy nhiệt điện than Quỳnh Lập. Vì vậy, Bộ Công Thương đề nghị đưa địa điểm Quỳnh Lập để phát triển dự án.
LNG (Liquefied Natural Gas) là khí thiên nhiên được hóa lỏng khi làm lạnh sâu đến âm 162oC sau khi đã loại bỏ các tạp chất. LNG có thành phần chủ yếu là methane.
Có thể nói, phát triển ngành công nghiệp khí LNG đang trở thành một nhân tố kinh tế kỹ thuật quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong các thập niên tới, nhằm mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường sinh thái và duy trì sự phát triển bền vững của đất nước.
>> PV GAS chính thức cung cấp LNG phục vụ sản xuất công nghiệp