Chủ tịch Nguyễn Hồ Hưng ra tay cứu giá, cổ phiếu APG thoát sàn sau 2 phiên giảm hết biên độ
Ông Nguyễn Hồ Hưng đăng ký mua lượng lớn cổ phiếu APG trong bối cảnh thị giá đã giảm sàn 2 phiên liên tiếp sau khi doanh nghiệp này dính án phạt hơn nửa tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hồ Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán APG (HoSE: APG ) vừa đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu APG nhằm mục đích đầu tư cá nhân. Thời gian giao dịch dự kiến từ 25/7 đến 23/8 bằng phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận. Nếu giao dịch thành công, Chủ tịch APG sẽ tăng sở hữu từ 11,78 triệu cổ phiếu (tương ứng tỷ lệ 5,27%) lên 13,78 triệu cổ phiếu (6,16%).
Trong phiên giao dịch sáng 23/7, cổ phiếu này đang giao dịch quanh mức giá 10.550 đồng/cp. Tạm tính theo mức giá này, ước tính Chủ tịch Chứng khoán APG sẽ phải chi ra khoảng 21,1 tỷ đồng để mua số cổ phiếu đăng ký.
Ông Nguyễn Hồ Hưng, Chủ tịch APG |
Ông Nguyễn Hồ Hưng đăng ký mua lượng lớn cổ phiếu APG trong bối cảnh thị giá đã lau sàn 2 phiên liên tiếp sau khi doanh nghiệp này dính án phạt hơn 501 triệu đồng và đình chỉ giao dịch chứng khoán 4 tháng.
Cụ thể, APG tổ chức có liên quan đến ông Nguyễn Hồ Hưng, Thành viên HĐQT CTCP DAP Vinachem (DDV) thực hiện giao dịch bán hơn 1,03 triệu cổ phiếu DDV vào ngày 4/11/2022 và bán 216.000 cổ phiếu DDV vào ngày 7/11/2022.
APG có báo cáo đề ngày 27/10/2022 về việc dự kiến giao dịch đối với hơn 8,03 triệu cổ phiếu DDV (từ ngày 3/11 - 3/12/2022) gửi UBCKNN và Sở GDCK TPHCM nhưng không thực hiện báo cáo về việc dự kiến giao dịch với Sở GDCK Hà Nội (nơi DDV đăng ký giao dịch).
Về tình hình hoạt động, APG vẫn chưa thể tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024. Sau Đại hội lần 1 bất thành, công ty xin hoãn tổ chức cuộc họp lần 2, và lùi thời gian sang ngày 11/08, thay vì ngày 21/07/2024 như thông báo trước đó.
Về tình hình kinh doanh, mới đây, APG đã công bố BCTC quý II/2024, ghi nhận hơn 65 tỷ đồng doanh thu hoạt động và lãi ròng hơn 47 tỷ đồng, lần lượt giảm 52% và 28% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân chính là mảng tự doanh kém sắc. Cụ thể, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) chỉ đạt 32,5 tỷ đồng, giảm 73% so với cùng kỳ. Dù lỗ từ tài sản tài chính FVTPL ở mức âm gần 2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 31 tỷ đồng, song đóng góp không nhiều vào kết quả chung. Kết quả, lãi tự doanh thu về 34,5 tỷ đồng, giảm 77%.
Ngược lại, tăng trưởng đến từ mảng cho vay với lãi từ các khoản cho vay và phải thu đạt gần 12 tỷ đồng, hơn gấp 3,3 lần cùng kỳ.
Mảng môi giới và nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán cũng tăng mạnh với doanh thu cao gấp 6,8 lần và gấp 16 lần cùng kỳ, nhưng giá trị không cao lần lượt đạt 10,6 tỷ đồng và 4,2 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động đạt hơn 95 tỷ đồng và lãi ròng gần 54 tỷ đồng, tương ứng giảm 49% và 50% so với cùng kỳ; đều thực hiện được từ 23% đến 24% kế hoạch năm.
>> Chứng khoán APG bị phạt hơn nửa tỷ đồng, đình chỉ giao dịch 4 tháng