Chủ tịch Petrovietnam 'khoe' vốn chủ sở hữu chiếm gần 25% tổng vốn chủ của các doanh nghiệp Nhà nước
Vốn chủ sở hữu của tập đoàn đạt 531.000 tỷ đồng, chiếm 24,8% tổng vốn chủ sở hữu của tất cả các doanh nghiệp Nhà nước.
Sáng 4/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc gặp mặt các doanh nghiệp nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2024). Tại buổi gặp, ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam ), đã chia sẻ về tình hình hoạt động và vai trò quan trọng của tập đoàn trong nền kinh tế.
Theo ông Hùng, Petrovietnam là tập đoàn kinh tế lớn nhất do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Các tổ chức quốc tế đánh giá hoạt động của Petrovietnam có ảnh hưởng trọng yếu đối với toàn bộ chuỗi giá trị năng lượng tại Việt Nam, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch Petrovietnam - Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Tính đến ngày 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của Petrovietnam đạt trên 531.000 tỷ đồng, chiếm 24,8% tổng vốn chủ sở hữu của tất cả các doanh nghiệp Nhà nước, tương đương 1,8 triệu tỷ đồng.
Tổng doanh thu của Petrovietnam trong giai đoạn 2021-2023 đạt trung bình 834.000 tỷ đồng mỗi năm, với mức tăng trưởng ấn tượng 20,2%/năm.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất trung bình của tập đoàn đạt trên 61.400 tỷ đồng/năm, với mức tăng trưởng 60,5%/năm. Trong cùng giai đoạn, Petrovietnam nộp vào ngân sách Nhà nước 145.000 tỷ đồng mỗi năm, tăng trưởng 25,2%/năm.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, tiền thân là Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam, được thành lập ngày 3/9/1975. Hiện nay, Petrovietnam hoạt động trong 5 lĩnh vực chính: Tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, công nghiệp khí, chế biến dầu khí, công nghiệp điện và năng lượng tái tạo, cùng dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao.
Vào ngày 1/10 vừa qua, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã yêu cầu Bộ Công Thương và Petrovietnam báo cáo Thủ tướng về việc giao tập đoàn này khảo sát và thí điểm phát triển dự án điện gió ngoài khơi.
Theo Quy hoạch điện VIII, công suất điện gió ngoài khơi  dự kiến đến năm 2030 sẽ đạt 6.000MW, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có dự án nào được quyết định chủ trương đầu tư. Bộ Công Thương nhận định, các hạng mục của dự án điện gió ngoài khơi có nhiều điểm tương đồng với các dự án dầu khí ngoài khơi, nên Petrovietnam có lợi thế về nguồn lực và kinh nghiệm trong triển khai các dự án thí điểm.
Tuy nhiên, nếu Petrovietnam được giao nhiệm vụ phát triển điện gió ngoài khơi, tập đoàn cần đánh giá và điều chỉnh lĩnh vực kinh doanh để phù hợp với yêu cầu mới của ngành năng lượng tái tạo. Việc đáp ứng các tiêu chuẩn đặc trưng của lĩnh vực này cũng là thách thức lớn mà Petrovietnam phải chuẩn bị để đối mặt.
PVN, VNPT, Vietnam Airlines, BIDV, VietinBank, MB... vào danh sách bị kiểm toán năm 2025 
PVN, Sovico và Vietjet Air ký biên bản thỏa thuận hợp tác với doanh nghiệp Mỹ