Mới đây, Tập đoàn Vingroup (HOSE: VIC) đã tổ chức ĐHCĐ thường niên 2022. Tại đại hội, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng đã chia sẻ về những vấn đề liên quan đến xe điện VinFast.
Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng mới đây đã khẳng định rằng thị trường xe điện toàn cầu đang thiếu hụt nguồn cung nên công ty nào có xe để bán, người có sẽ dành phần thắng.
Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cho biết, Vingroup khẳng định đang ngày đêm nghiên cứu phát triển sản phẩm, đồng thời tiết kiệm từng đồng, từng hào để phát triển cho VinFast. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh rằng ở thời điểm hiện tại, thế giới đang rất thiếu xe điện, nên chỉ cần có xe là thắng, là có thể bán được.
“Ở thời điểm hiện tại, có xe là thắng, là có thể bán được”, Chủ tịch Vingroup nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Phạm Nhật Vượng cũng chia sẻ về những khó khăn cũng như các chính sách ưu đãi nhằm thu hút các nhà cung cấp đến với VinFast trong tương lai.
Hiện linh kiện hay nguồn cung đều thiếu. Chẳng hạn như xe điện VF e34, có khoảng 4.000 linh kiện, nhưng nếu chỉ thiếu một con ốc hoặc con vít thì cũng không thể sản xuất được. "Đây là áp lực lớn nên chúng tôi cần đẩy mạnh chiến lược nội địa hóa linh kiện qua chính sách miễn tiền thuê đất, nhà xưởng trong thời gian 10 - 15 năm tới”, ông Vượng chia sẻ.
Ông cũng cho biết, Vingroup đang mời gọi các nhà sản xuất chip về mở nhà máy tại Việt Nam. Với những ưu đãi mà Vingroup đưa ra, họ có thể tập trung đầu tư mạnh mẽ vào sản xuất. Lúc đó, vấn đề nguồn cung sẽ được giải quyết và phát triển nhanh.
Thị trường xe điện đang ngày càng bùng nổ và được đông đảo người tiêu dùng đón nhận. Hiện nay, có rất nhiều công ty gia nhập thị trường này, có thể kể tới những công ty thuần túy về xe điện như Tesla, BYD, Rivian… hay những ông lớn trong ngành ô tô như Volkswagen, Honda, Toyota… cũng tham gia cuộc chơi.
Theo dữ liệu từ Insideevs, tổng doanh số bán xe điện của top 5 nhà sản xuất hàng đầu thế giới năm vừa qua bao gồm Tesla, Volkswagen, SAIC, BYD và Hyundai đạt hơn 2,5 triệu chiếc, chiếm hơn 55% thị phần tổng doanh số xe điện toàn cầu trong năm 2021. Đáng chú ý, những con số này đều tăng trưởng so với năm 2020, chứng minh rằng khách hàng đang ngày càng ưa chuộng việc sử dụng xe điện.
Tuy nhiên, có một thức tế là nhiều hãng xe điện không đủ xe để giao cho khách hàng. Na Uy đang dẫn trước các quốc gia khác trong cuộc đua xe điện. Vào năm 2021, 93% ô tô mới được đăng ký tại nước này là xe chạy hoàn toàn bằng pin hoặc xe hybrid.
Trung Quốc muốn 70% xe chở khách được bán ra thị trường vào năm 2025 và 100% vào năm 2035 là xe điện. Vương quốc Anh muốn loại bỏ dần doanh số bán xe chạy bằng xăng và dầu vào năm 2030, cũng như kỳ vọng tất cả ô tô bán ra thị trường vào năm 2035 là xe điện. 9 quốc gia thành viên EU ủng hộ đề xuất của Ủy ban Châu Âu về việc loại bỏ, ngừng bán các loại xe chạy xăng và diesel mới trên khắp lục địa vào năm 2035, theo Energy Monitor.
Dù vậy, quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang điện sẽ có nhiều thách thức, đặc biệt là trong chuỗi cung ứng xe điện. Một số nhà sản xuất ô tô đã phải tạm dừng sản xuất xe điện trong vài tháng qua vì vấn đề cung cấp vi mạch. Vào tháng 11/2021, Volkswagen đã ngừng sản xuất trong một tuần tại hai nhà máy của Đức. Tháng 2 năm nay, ông lớn Ford cũng ngừng sản xuất tại ba nhà máy lắp ráp ở Mỹ và Mexico. Điều này dẫn đến việc nhiều khách hàng có thể không được giao xe đúng hạn.
Mới nhất, trong một buổi hội thảo trực tuyến cùng tờ Financial Times, tỷ phú Elon Musk, CEO công ty xe điện số một thế giới Tesla cũng để ngỏ khả năng dừng nhận đơn đặt hàng mới cho xe điện của công ty bởi nhu cầu của người dùng đang vượt quá khả năng sản xuất.
Thậm chí, VinFast cũng gặp phải tình trạng chưa đủ xe để bàn giao cho khách hàng. Năm ngoái, hãng xe Việt đã công bố mẫu xe điện VF e34 dành riêng cho thị trường trong nước. Tính đến tháng 12/2021, đã có tổng cộng 25.000 đơn đặt trước cho mẫu xe điện mới này của VinFast. Dù vậy, tính đến hết tháng 3/2022, VinFast mới bán ra tổng cộng 505 xe điện VF e34, con số rất nhỏ so với lượng đơn đặt trước.
Cũng theo Chủ tịch Phạm Nhật Vượng, pin xe điện không chỉ dùng mỗi lithium mà còn cần đến các nguyên liệu khác như coban, nikel,… Hiện tại, nguồn cung cho các nguyên liệu này đang rất thiếu. Phía VinFast cũng đã lập riêng danh sách 6 nhóm linh kiện chiến lược dùng để sản xuất pin cũng như bắt đầu nghiên cứu để dự trữ lâu dài.
Hiện nay, với quy mô sản xuất rơi vào khoảng 100.000 – 200.000 xe/năm thì việc thiếu nguyên liệu chưa phải là một vấn đề quá lớn, song trong tương lai nếu quy mô sản xuất tăng cao, đây có thể là một vấn đề gây ra nhiều khó khăn cho công ty.
Không chỉ riêng VinFast mà việc thiếu nguồn cung sản xuất pin lithium cũng là tình trạng chung mà nhiều công ty trên thế giới đang đối mặt.
Theo Forbes, cuộc cách mạng ô tô điện sẽ bị chậm lại nếu nguồn cung các nguyên liệu quan trọng như lithium không theo kịp với nhu cầu được dự báo sẽ tăng cao trong những năm tới.
Theo Hiệp hội Lithium Quốc tế (ILiA), Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã ước tính rằng sự tăng trưởng số lượng xe điện có thể khiến nhu cầu lithium tăng hơn 40 lần vào năm 2030. Năm ngoái, nhu cầu lithium là khoảng 320.000 tấn và dự kiến đạt 1 triệu tấn vào năm 2025 và 3 triệu tấn vào năm 2030, theo Reuters.
Ngoài nguyên liệu chính là lithium, các nhà sản xuất ô tô điện còn phải tính đến các nguyên liệu khác như coban, than chì tự nhiên, nguyên tố đất hiếm,… Trong bối cảnh chuỗi cung ứng đang bị tắc nghẽn tại Trung Quốc kết hợp với ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga – Ukraine, việc giải quyết nguồn cung các nguyên liệu sản xuất pin lithium là chuyện không hề đơn giản, theo Auto Car.