Sau chuỗi thăng hoa trong 1 tháng trở lại đây, bộ đôi cổ phiếu HAG - HNG tiếp tục trở thành tâm điểm chú ý trong phiên thị trường tăng mạnh ngày 20/7/2022.
Kết phiên giao dịch ngày 20/7/2022, thị trường chứng khoán ghi nhận sắc xanh tích cực ở nhiều nhóm cổ phiếu trong đó nhóm dầu khí bật tăng sau khi giá dầu thế giới tăng về mốc 100 USD/thùng trong phiên trước đó. Đóng cửa, họ dầu khí vẫn là nhóm tác động tích cực nhất lên chỉ số với mức đóng góp gần 2,8 điểm.
Tương tự, sắc xanh cũng lan tỏa tại nhóm hóa chất, điện, bia & đồ uống,... Cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc cũng có phiên hồi phục sau nhịp điều chỉnh trước đó; nhiều mã bật tăng trần trong như HQC, VGC,...
Kết phiên giao dịch, VN-Index tăng 15,81 điểm (1,34%) lên 1.194,14 điểm; toàn sàn có 374 mã tăng, 87 mã giảm và 67 mã đứng giá. HNX-Index tăng 4,44 điểm (1,56%) lên 288,87 điểm; toàn sàn có 164 mã tăng, 47 mã giảm và 48 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,99 điểm (1,13%) lên 88,88 điểm.
Tổng giá trị khớp lệnh đạt 15.400 tỷ đồng - tăng 33% trong đó giá trị khớp lệnh tại sàn HOSE tăng 34% lên 12.941 tỷ đồng.
Đáng nói, dù thị trường tăng tích cực và các nhóm cổ phiếu cũng hồi mạnh mẽ song điểm nhấn phiên này lại đến từ nhóm cổ phiếu HAG - HNG khi cả 2 mã cùng lao dốc mạnh và kết phiên giảm hết biên độ.
Với HAG, sau nhịp tăng mạnh từ mức 6.980 đồng (phiên 17/6) lên mức 11.700 đồng (phiên 18/7) - tương ứng mức tăng 67% sau 1 tháng, cổ phiếu này đã quay đầu giảm nhẹ trong phiên 19/7 trước khi giảm sàn về còn 10.850 đồng trong phiên 20/7.
HAGL (HAG) lãi đậm 6 tháng đầu năm 2022, gấp hơn 27 lần cùng kỳ 
Tương tự, cổ phiếu HNG sau chuỗi 9 phiên tăng thần tốc từ 7 - 19/7, rộng hơn là từ mức 4.980 đồng (phiên 21/6) - tương ứng tăng gần 41% sau 1 tháng cũng bất ngờ giảm sàn trong phiên 20/7 và rơi khỏi mức 7.000 đồng.
Trong phiên này, thanh khoản cổ phiếu HAG tăng đột biến lên mức 47 triệu cổ phiếu - gấp đôi phiên trước đó trong khi cổ phiếu HNG cũng khớp 22 triệu đơn vị.
Đáng nói, trước phiên ATC ngày 20/7, cả HAG và HNG dù giảm rất mạnh song vẫn cách giá sàn khá xa. Tuy nhiên, các lệnh mua lớn 2,32 triệu đơn vị với HAG và 1,97 triệu cổ phiếu với HNG (đều ở mức giá sàn) trong phiên ATC đã bất ngờ trở tạo ra cú sốc đối với cổ đông 2 mã này trước giờ đóng cửa, đặc biệt là khi Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030 với mục tiêu phát triển chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ; phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong top 10 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030.
Trên diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu tư tỏ ra khó hiểu trước diễn biến bất ngờ của 2 cổ phiếu này cuối phiên.
HAG - Thị giá đã vượt mức giá dự kiến chào bán 162 triệu cổ phiếu, kỳ vọng tăng giá ngắn hạn giảm dần?
Theo thông tin cập nhật, HAG vừa công bố thông tin bất thường về Nghị quyết HĐQT về việc thông qua bổ sung hồ sở đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2022.
Trước đó, trung tuần tháng 4/2022, HĐQT công ty đã thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ với tổng số cổ phiếu dự kiến chào bán là gần 162 triệu cổ phiếu; giá chào bán 10.500 đồng. Sau chào bán, tập đoàn sẽ thu về gần 1.700 tỷ đồng. Thời điểm thực hiện sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Với thông tin này, một số nhà đầu tư cho rằng việc cổ phiếu HAG tăng mạnh hơn 1 tháng trở lại đây đến từ sự kỳ vọng về mức giá chào bán cao hơn rất nhiều mức giá cổ phiếu này tại vùng đáy trung tuần tháng 6 vừa qua; việc thị giá cổ phiếu đã tăng vượt mức giá chào bán sẽ được cho là thời điểm chốt lời thích hợp.
Trở lại với câu chuyện chào bán riêng lẻ cổ phiếu của HAG, được biết đến cuối năm 2021, quy mô vốn điều lệ của tập đoàn này là 9.275 tỷ đồng; phần lỗ luỹ kế xấp xỉ 4.467 tỷ đồng qua đó ăn mòn phân nửa vốn điều lệ của công ty.
Với tình trạng thua lỗ như vậy, việc phát hành tăng vốn qua chào bán cho cổ đông hiện hữu hay chi trả cổ tức là không thể do không đáp ứng đủ điều kiện chào bán. Theo quy định, việc chào bán riêng lẻ sẽ chỉ được thực hiện cho nhà đầu tư với số lượng giới hạn dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Đối tượng tham gia đợt chào bán chỉ bao gồm nhà đầu tư chiến lược và việc chuyển nhượng cổ phiếu bị hạn chế tối thiểu là 03 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.
Theo thông tin được HAG công bố, sẽ chỉ có 3 nhà đầu tư gồm 2 doanh nghiệp và 1 cá nhân tham gia đợt chào bán 162 triệu cổ phiếu tới đây bao gồm Công ty TNHH Glory Land và CTCP Quản lý Việt Cát và ông Nguyễn Đức Quân Tùng.
Theo đó, Glory Land sẽ chi 1.000 tỷ đồng mua 95,2 triệu cổ phiếu HAG (tương ứng tỷ lệ sở hữu 8,74% sau phát hành); Quỹ Việt Cát mua 47,6 triệu cổ phiếu, dự tính chi 500 tỷ đồng còn ông Nguyễn Đức Quân Tùng sẽ rót khoảng 200 tỷ đồng - tương ứng mua hơn 19 triệu cổ phiếu.
Trong danh sách kể trên, Glory Land  là cái tên đáng chú ý nhất bởi có liên quan đến chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn.
Năm 2020, tổng tài sản Glory Land nhảy cốc từ 47 triệu đồng (cuối năm 2019) lên mức 1.924 tỷ đồng (cuối năm 2020), tương ứng tăng 40.783 lần chỉ sau 12 tháng. Đáng nói, phần lớn tài sản được hình thành từ nợ, khi tính đến cuối năm 2020, nợ phải trả Glory Land còn 1.526 tỷ đồng.
Với HAGL, số tiền thu được lần này sẽ được dùng để bổ sung vốn lưu động (qua hình thức cho vay) với các công ty con - cụ thể là Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai, CTCP Chăn nuôi Gia Lai và CTCP Gia súc Lơ Pang - tổng cộng 1.200 tỷ đồng. 500 tỷ đồng còn lại được dùng để trả nợ gốc trái phiếu do HAG phát hành từ cuối năm 2016.
Trước đó hồi đầu năm 2022, ông Đoàn Nguyên Đức từng bày tỏ "Nếu có đối tác phù hợp, tập đoàn có thể phát hành thêm để có thể tất toán luôn 10.000 tỷ nợ".