Chứng khoán lình xình, dư nợ cho vay margin quý III/2024 tiếp tục phá đỉnh
Thị trường chứng khoán rung lắc và đi ngang trong quý III/2024. Tuy nhiên, dư nợ cho vay ký quỹ (margin) tại các công ty chứng khoán tiếp tục tăng và đạt đỉnh.
Cuối tháng 6/2024, dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (margin ) tại các công ty chứng khoán đạt gần 218.900 tỷ đồng, mức dư nợ margin cao nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, chỉ ba tháng sau đó, thống kê dư nợ margin trên 70 công ty chứng khoán đã đạt hơn 235.000 tỷ đồng, qua đó tiếp tục thiết lập kỷ lục mới.
Đây là diễn biến tương đối bất ngờ trong bối cảnh thị trường chứng khoán gần như "mắc kẹt" tại vùng 1.200-1.300 điểm trong quý III. Rộng hơn, VN-Index vẫn duy trì quanh ngưỡng 1.200 điểm suốt hơn 20 năm qua. So với các thị trường khác, thị trường chứng khoán Việt Nam dường như "giậm chân tại chỗ", chưa có sự bứt phá tương xứng với tiềm năng được kỳ vọng.
Diễn biến chỉ số VN-Index |
Trong quý III, tổng giá trị giao dịch bình quân trên ba sàn giảm 26,5% so với quý II, đạt 18.561 tỷ đồng/phiên. Giới phân tích cho rằng, việc margin tăng cao không đáng lo ngại trong giai đoạn này do dòng vốn margin chủ yếu tập trung vào nhóm ngân hàng và thực phẩm, chiếm khoảng 55-60%, thay vì nhóm bất động sản như giai đoạn 2022, giúp ổn định thị trường.
Hầu hết các công ty chứng khoán lớn đều ghi nhận tăng trưởng dư nợ cho vay margin. TCBS có dư nợ margin cuối kỳ đạt 25.483 tỷ đồng, tăng 790 tỷ so với quý II. Mirae Asset tăng từ 16.746 tỷ lên 19.291 tỷ đồng. Vietcap cũng đẩy mạnh cho vay margin từ 7.900 tỷ lên 10.111 tỷ đồng. Một số công ty lớn khác như HSC , VPS, Yuanta, VIX  và Rồng Việt cũng ghi nhận mức tăng đáng kể. Đặc biệt, LPBank có sự bứt phá mạnh mẽ với dư nợ margin tăng từ 504 tỷ đồng lên 3.004 tỷ đồng.
Mặc dù cho vay margin tăng mạnh, tỷ lệ dư nợ margin/vốn chủ sở hữu ở các công ty chứng khoán vẫn nằm trong ngưỡng an toàn (dưới 2 lần). Ví dụ, tỷ lệ này tại TCBS là 0,99 lần, Vietcap  là 1,16 lần, VPS là 1,15 lần và VIX chỉ ở mức 0,26 lần. Tuy nhiên, Mirae Asset đã vượt ngưỡng an toàn với tỷ lệ 2,05 lần và HSC đạt 1,9 lần.
Điều này cho thấy các công ty chứng khoán vẫn có dư địa để tăng cường cho vay margin. Tuy nhiên, một số nguồn vốn chủ yếu vẫn được phân bổ vào các hoạt động khác như tự doanh (cổ phiếu, trái phiếu, giấy tờ có giá).
Ngược lại, một số công ty chứng khoán như SSI , VNDirect, Maybank, BVS  và MBS ghi nhận sự giảm nhẹ trong dư nợ margin.
Chứng khoán HSC báo lãi 222 tỷ đồng, đánh đổi lợi nhuận mảng môi giới lấy cho vay margin? 
CTCK chạy đua cho vay margin, gương mặt Top 2 lộ diện