Đến thời điểm này, có thể thấy rủi ro lạm phát đối với Việt Nam vẫn đang hiện hữu trong bối cảnh lạm phát toàn cầu đang ở mức cao, giá nhiều loại hàng hóa trên thế giới chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Nhận định về những yếu tố ngoài lạm phát có thể tác động mạnh đến thị trường trong giai đoạn tháng 6 này, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc khối phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect (VND) cho rằng, song hành cùng rủi ro lạm phát gia tăng trên toàn cầu và Việt Nam là rủi ro khi Fed có động thái thắt chặt tiền tệ quyết liệt hơn so với dự đoán.
Theo khảo sát của CME Group, thị trường kỳ vọng Fed sẽ nâng lãi suất chính sách thêm 175 - 200 điểm cơ bản trong thời gian còn lại của năm 2022 lên mức mục tiêu 2,5 - 3,0%/năm. Nếu như Fed có động thái tăng lãi suất mạnh hơn so với dự báo sẽ gây áp lực lên dòng vốn đầu tư tại các thị trường mới nổi như Việt Nam.
Một rủi ro đáng chú ý khác là việc Trung Quốc vẫn duy trì chính sách Zero Covid. Điều này tác động tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế của quốc gia này, cũng như hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nước ta. Các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt với quy mô lớn tại Trung quốc trong thời gian gần đây cũng gia tăng áp lực lên chuỗi cung ứng và làm chậm đà tăng trưởng của các hoạt động sản xuất tại Việt Nam.
Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Investment, bên cạnh lạm phát thì yếu tố được quan tâm, thậm chí còn nhiều hơn là chính sách thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu ảnh hưởng đến thị trường tài chính và chứng khoán.
Tháng 7 và 8 tới đây là 2 tháng quan trọng khi mà dự kiến Fed có 2 đợt tăng lãi suất mạnh và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là ngân hàng trung ương lớn còn lại trên thế giới vẫn chưa tăng lãi suất, nhưng được dự báo có thể tăng trong đợt này.
Ngoài ra, dòng tiền khối ngoại, tự doanh, nhà đầu tư cá nhân cũng đang có sự không đồng nhất khi nhóm này bán ròng thì nhóm kia mua và ngược lại.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán MBS cho biết, trong tháng 6 này, có nhiều sự kiện có thể tác động đến thị trường như: Cuộc họp chính sách tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed), châu Âu (ECB) và Nhật Bản (BOJ), công bố danh mục cơ cấu và review của các qũy ETF (FTSE VIETNAM INDEX ETF, VANECK VECTORS VIETNAM ETF).
Về vĩ mô trong nước, công bố số liệu kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2022, tiến độ giải ngân đầu tư công cũng như triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% trong chương trình phục hồi kinh tế sau Covid…
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, lạm phát vẫn sẽ là yếu tố tác động chính lên diễn biến của thị trường trong thời gian tới khi mà giá dầu và các giá nguyên liệu đầu vào vẫn đang duy trì đà tăng.
Ngoài ra, tỷ giá vẫn phải chú ý đến mặc dù đồng USD đã hạ nhiệt trong thời gian gần đây, nhưng đồng USD vẫn đang duy trì đà tăng trong trung và dài hạn vì đây vẫn là kênh đầu tư an toàn né tránh các biến động rủi ro từ thị trường chứng khoán.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Đầu tư, Chứng khoán Agriseco nêu quan điểm, ngoài câu chuyện lạm phát, chúng ta cần chú ý đến đợt tăng lãi suất tiếp theo của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 16/6 này. Việc Fed tăng lãi suất đang làm đảo ngược dòng vốn rẻ đầu tư chứng khoán đồng thời tạo áp lực lên tỷ giá.
Việc Fed tăng lãi suất làm gia tăng chi phí tài chính tại các quỹ ngoại, khi phần lớn họ đều sử dụng đòn bẩy trong giao dịch. Vì vậy, có thể xảy ra việc cơ cấu danh mục và thu hẹp các khoản đầu tư tại các thị trường cận biên, mới nổi để giảm thiểu rủi ro.
Thị trường Việt Nam về lý thuyết cũng sẽ gặp tác động tiêu cực, tuy nhiên có thể ảnh hưởng sẽ không lớn do Việt Nam vẫn có dự trữ ngoại hối ổn định, nhiều động lực tăng trưởng cũng như nhìn lại các lần Fed tăng lãi suất trong quá khứ.
Giới phân tích nói gì về triển vọng nhóm cổ phiếu dầu khí tháng 6? 
Cổ phiếu ngân hàng còn thích hợp để dòng tiền "nương tựa"?