Chuyển động mới tại dự án cao tốc hơn 37.000 tỷ đồng nối Tây Nguyên với Duyên hải miền Trung
Bộ Giao thông vận tải đang phối hợp với các địa phương để hoàn thiện dự án và xin ý kiến thống nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, dự kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2024.
Liên quan đến kiến nghị của tỉnh Bình Định về việc đầu tư dự án cao tốc  Quy Nhơn - Pleiku theo hình thức đầu tư công, Bộ Giao thông vận tải mới đây đã cung cấp thông tin chi tiết nhằm giải đáp vấn đề này.
Theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, trong quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku dự kiến có chiều dài 180km, bắt đầu từ cảng Nhơn Hội (tỉnh Bình Định) và kết thúc tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) với quy mô 4 làn xe.
Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh Gia Lai chủ trì phối hợp với UBND tỉnh Bình Định và Bộ Giao thông vận tải để nghiên cứu phương án đầu tư tuyến cao tốc này theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong các thông báo số 173/TB-VPCP ngày 15/6/2022 và số 59/TB-VPCP ngày 28/2/2023 của Văn phòng Chính phủ.
Thực hiện chỉ đạo này, UBND tỉnh Gia Lai đã phối hợp với UBND tỉnh Bình Định để nghiên cứu và báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào ngày 19/5/2024 kiến nghị đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh và tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 37.653 tỷ đồng.
Trong văn bản số 3995/VPCP-CN ngày 10/6/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để xem xét đề xuất của UBND tỉnh Gia Lai và Bình Định, đồng thời đưa ra phương án đầu tư phù hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức các cuộc họp với hai tỉnh để rà soát phương án đầu tư, đồng thời tiến hành thị sát hiện trường cùng UBND tỉnh Bình Định tại vị trí điểm đầu tuyến cao tốc.
Hiện nay, Bộ đang phối hợp với các địa phương để hoàn thiện dự án và xin ý kiến thống nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, dự kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2024.
Được biết, khi tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku hoàn thành và đi vào hoạt động, dự án sẽ nâng cao năng lực kết nối giao thông giữa các vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh cho tỉnh Bình Định, Gia Lai và toàn khu vực Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung.
>> Tỉnh sở hữu thác nước đẹp nhất thế giới của Việt Nam sẽ đón sân bay đầu tiên sau năm 2030