Chuyên gia chứng khoán chỉ điểm những cổ phiếu là 'nơi trú ẩn' dài hạn sau đòn thuế 46% từ Mỹ
CTCK nhận định thị trường có thể đã chạm “đáy thông tin tiêu cực”, nhưng vẫn chưa nên bắt đáy. Nhà đầu tư được khuyến nghị ưu tiên quản trị rủi ro, giảm đòn bẩy và chờ tín hiệu tích cực từ đàm phán thương mại Việt – Mỹ.
Theo báo cáo chiến lược tháng 4/2025 của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC ), thuế quan đang được Mỹ xem là công cụ mặc cả trong đàm phán thương mại. Chính sách này có thể đẩy căng thẳng lên cao, nhưng cũng có thể tạo ra bàn đàm phán nhằm giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại. Trong bối cảnh chưa có tín hiệu rõ ràng từ phía Mỹ - Việt, thị trường nhiều khả năng sẽ còn biến động mạnh trong ngắn hạn.
![]() |
Việt Nam bị xếp vào nhóm đánh thuế đối ứng cao cùng với Campuchia và Lào (Nguồn: VDSC) |
VDSC cho rằng, hiện tại có thể đã chạm tới "đáy tiêu cực" về mặt thông tin. Những tín hiệu tích cực từ quá trình đàm phán giữa 2 nước, nếu có, sẽ là chất xúc tác quan trọng giúp thị trường hồi phục. Tuy vậy, trước mắt, nhà đầu tư cần chuẩn bị tâm lý cho giai đoạn đầy biến động, đặc biệt là trong thời gian trước mốc 9/4 – thời điểm chính sách thuế quan bắt đầu có hiệu lực.
Cũng theo VDSC, động thái tăng thuế của Mỹ không chỉ làm khó các doanh nghiệp xuất khẩu, mà còn tiềm ẩn rủi ro lạm phát trong nội tại nền kinh tế Mỹ, tương tự các cú sốc cung từng xảy ra trong đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine. Điều này có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đối mặt với tình huống khó khăn hơn trong việc cân bằng lạm phát và tăng trưởng.
VDSC cảnh báo rằng, khả năng tìm nguồn cung thay thế hàng hóa Việt trong ngắn hạn là rất thấp. Điều này có thể khiến chính sách thuế phản tác dụng, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ, đồng thời tạo áp lực giảm giá lên các đồng tiền tại các nền kinh tế xuất khẩu lớn như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan.
Trong ngắn hạn, thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh để tìm điểm cân bằng mới, đặc biệt khi chưa có thêm tiến triển tích cực nào từ các cuộc đàm phán thương mại. Nhà đầu tư được khuyến nghị hạn chế “bắt đáy” trong giai đoạn này và nên ưu tiên quản trị danh mục, giảm đòn bẩy trong những nhịp hồi.
![]() |
Ước tính tác động của chính sách thuế quan kể từ đầu năm đến ngày 2/4 lên tăng trưởng kinh tế của các quốc gia (Nguồn: VDSC) |
Với nhà đầu tư dài hạn, nhịp điều chỉnh hiện tại có thể là cơ hội cơ cấu danh mục tại vùng giá hấp dẫn. Những cổ phiếu thuộc nhóm phòng thủ hoặc ít chịu ảnh hưởng bởi thuế quan sẽ là lựa chọn phù hợp, đặc biệt nếu mức định giá đang ở vùng chiết khấu mạnh do tâm lý thị trường.
Dự báo lợi nhuận quý I/2025 theo phương pháp “top-down” của VDSC cho thấy tăng trưởng lợi nhuận sau thuế có thể đạt khoảng 10% so với cùng kỳ, với động lực chính đến từ ngân hàng (tăng 12%) và bất động sản (tăng 193%). Tuy nhiên, quý II có thể đối mặt với thách thức nếu chính sách thuế quan chưa được tháo gỡ kịp thời.
Về chỉ số, Rồng Việt kỳ vọng VN-Index sẽ chạm đáy quanh vùng 1.140 – 1.165 điểm và có thể phục hồi về vùng 1.285 điểm sau đó. Cơ sở của kỳ vọng này là định giá hấp dẫn so với giai đoạn khủng hoảng 2018-2019 và phản ứng tương đối nhẹ của các tài sản trú ẩn (vàng, DXY) trước tin xấu.
![]() |
Diễn biến giá vàng trong khoản thời gian diễn ra sự kiện – giá vàng thế giới giảm 0,7% kể từ thời điểm công bố chính sách (Nguồn: VDSC) |
Về danh mục đầu tư, Rồng Việt tiếp tục giữ nguyên khuyến nghị từ kỳ báo cáo trước, nhưng có điều chỉnh chiến lược: Hạ tỷ trọng cổ phiếu khu công nghiệp xuống 5%, tăng tỷ trọng nhóm ngân hàng và cổ phiếu REE do có triển vọng thu nhập ổn định hơn, ít chịu tác động bởi thuế quan.
Một số cổ phiếu nhà đầu tư có thể cân nhắc theo dõi gồm: CTG , VCB, BID, MBB, REE, POW , HPG, GEG, NT2, HAH và KDH. Với những nhà đầu tư ưa rủi ro, có thể tận dụng các nhịp hồi để gia tăng tỷ trọng vào nhóm cổ phiếu có Beta cao nhằm cải thiện hiệu quả đầu tư trong ngắn hạn, trước khi tái phân bổ về tỷ trọng chiến lược.
Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang nói về tác động của thuế Mỹ: 'Ngại khó không phải là DNA của người Masan'