Chuyên gia: Mỹ có thể rơi vào suy thoái đầu năm 2025 và chứng khoán giảm sốc 70%
Một số chiến lược gia bi quan của phố Wall vừa nhấn mạnh các chỉ báo suy thoái đáng tin cậy như Quy tắc Sahm đã bắt đầu nhấp nháy và thị trường việc làm thì chứng kiến tốc độ tăng trưởng chậm lại đáng kể. Thậm chí, bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất nào của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng không thể ngăn cản kịch bản suy thoái.
3 chuyên gia hàng đầu Mark Mobius, Steve Hanke và Jon Wolfenbarger vừa đưa ra hàng loạt dự báo “bi quan”.
Mark Mobius: Dấu hiệu “cảnh báo kinh tế” lần đầu tiên xuất hiện sau hơn 90 năm
Tuần này, nhà đầu tư tỷ phú Mark Mobius đã chia sẻ với CNBC rằng cung tiền M2 đang sụt giảm với tốc độ mạnh nhất trong gần một thế kỷ. Kể từ khi đạt đỉnh vào năm 2022, chỉ số này đã liên tục suy giảm.
Mobius chỉ ra: "Mối lo ngại chính là nếu cung tiền M2 đã giảm kể từ tháng 4/2022 và không theo kịp tăng trưởng kinh tế thì có thể sẽ có ít vốn hơn cho chi tiêu tùy ý".
Theo đó, ông Mobius khuyến nghị nhà đầu tư nên giữ 20% tiền mặt để sẵn sàng mua vào khi giá cổ phiếu có thể giảm. Đồng thời, ông cho rằng hãy tìm kiếm các công ty có ít hoặc không có nợ, tăng trưởng lợi nhuận ở mức trung bình và tỷ suất sinh lời trên vốn cao.
Steve Hanke: Suy thoái có thể xảy ra vào đầu năm 2025
Cũng trong tuần này, nhà kinh tế Steve Hanke đã dự đoán: "Nước Mỹ sẽ rơi vào suy thoái  vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau, và đó là lý do tại sao chúng tôi nghĩ các con số lạm phát sẽ tiếp tục giảm".
Vị chuyên gia chỉ ra các dấu hiệu ở cấp độ vi mô đang báo hiệu nhiều vấn đề. Tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên mức 4,3% - mức cao nhất kể từ đại dịch Covid-19; doanh số bán lẻ chậm lại; thị trường nhà ở đi xuống và hoạt động sản xuất suy giảm.
Steve Hanke nhấn mạnh: "Nếu bạn xem xét dữ liệu vi mô, nó khá phù hợp với bức tranh tiền tệ vĩ mô mà tôi vừa đưa ra, trong đó nền kinh tế rơi vào suy thoái, lạm phát tiếp tục giảm".
Jon Wolfenbarger: Suy thoái có thể khiến chứng khoán giảm sốc 70%
Theo Jon Wolfenbarger, người sáng lập BullAndBearProfits.com, thị trường chứng khoán  có thể lao dốc tới 70% nếu một cuộc suy thoái nghiêm trọng xảy ra. Ông chỉ ra nhiều dấu hiệu đáng lo ngại, bao gồm đường cong lợi suất đảo ngược và việc Quy tắc Sahm đã “nhấp nháy”.
Chưa hết, số giờ làm việc trung bình hàng tuần cũng giảm - hiện ở mức khoảng 34,2 giờ. Theo ông, bất kỳ sự suy giảm nào nữa trong chỉ số này sẽ phát ra tín hiệu chưa từng thấy kể từ những năm khủng hoảng như năm 2008 và năm 2020.
Cuối cùng, ông cho rằng sự suy giảm liên tục trong việc làm sản xuất, dựa trên chỉ số ISM, cũng cho thấy tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên nữa.
Kết hợp với định giá thị trường chứng khoán đang ở mức cao, Wolfenbarger đưa ra dự báo về khả năng S&P 500 có thể giảm tới 70% từ mức hiện tại.
Theo BI
>> 4 tín hiệu đã nhấp nháy, chứng khoán Mỹ sẽ bước vào kịch bản ‘trong mơ’?