Chuyên gia Phạm Lưu Hưng: Nhà đầu tư không còn ‘ngây thơ’ như những năm 2006-2007, thời cứ mua cổ phiếu là có lãi
Nhà đầu tư không còn “ngây thơ” như những năm 2006-2007, khi mà chỉ cần mua cổ phiếu là có lãi. Giờ đây, họ đã bắt đầu nghiên cứu kỹ lưỡng hơn trước khi đưa ra quyết định”, ông Phạm Lưu Hưng chia sẻ tại Insight Talk số 2.
Xu hướng đầu tư thay vì tiết kiệm đang gia tăng tại nhiều quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Mỹ, Anh và Nhật Bản, đặc biệt trong giới trẻ. Tỷ lệ người dân tham gia đầu tư tại Mỹ đạt 55%, Anh 33%, Nhật Bản 30% và Hàn Quốc 18%. Xu hướng này cũng bắt đầu lan rộng ở Việt Nam, khi nhiều người tìm kiếm các cơ hội đầu tư để tiến nhanh hơn tới mục tiêu tài chính cá nhân.
Ông Phạm Lưu Hưng và bà Đỗ Hoài Linh tại Insight Talk số 2 |
Tại chương trình Insight Talk với chủ đề "Thị trường chứng khoán Việt Nam: Hành trình từ tăng trưởng nóng đến phát triển bền vững", ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng, Trưởng Ban đào tạo và Phát triển của CTCP Chứng khoán SSI và PGS.TS Đỗ Hoài Linh - Phó Trưởng bộ môn Ngân hàng Thương mại, Viện Ngân hàng Tài chính của Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU), đã có những chia sẻ về xu hướng đầu tư của người trẻ trên thị trường chứng khoán (TTCK).
Nhu cầu có nhiều tiền là hoàn toàn chính đáng
Trong bối cảnh chi phí nhà ở và sinh hoạt đang ngày càng tăng cao như hiện nay, nhiều bạn trẻ không ngần ngại “đặt cược” lớn vào TTCK với hy vọng tích lũy tài sản nhanh chóng.
“Nếu không giàu nhanh, họ sẽ không thể mua được nhà, và đây là một áp lực rất lớn”, ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng, Trưởng Ban đào tạo và Phát triển của CTCP Chứng khoán SSI khẳng định.
Theo Numbeo, dựa trên "tỷ số giá nhà trên thu nhập" (House Price to Income Ratio - HPR) giá nhà trung bình ở Việt Nam hiện gấp 23,7 lần thu nhập trung bình hàng năm hộ gia đình. Trong khi đó, chỉ số này theo các chuyên gia sẽ lý tưởng ở mức từ 5-7 lần.
Theo PGS. TS Đỗ Hoài Linh, nhu cầu tích lũy tài sản, đặc biệt là mong muốn có nhiều tiền, là điều hoàn toàn chính đáng. “Trong bối cảnh hiện nay, khi chi phí sinh hoạt leo thang và giá bất động sản ngày càng khó với tới, mong muốn giàu có hơn là điều dễ hiểu”, bà Linh nhận định.
Đối với giới trẻ, việc sở hữu nhà và đảm bảo tài chính cá nhân đang trở thành những mục tiêu cấp thiết. Điều này đã thúc đẩy họ tìm đến TTCK như một kênh đầu tư tiềm năng với kỳ vọng tăng trưởng tài sản nhanh chóng.
Tuy nhiên, bà Đỗ Hoài Linh nhấn mạnh, không thể coi TTCK là một công cụ đầu cơ đơn thuần: "Nói thị trường chứng khoán chỉ mang tính chất đầu cơ là không chính xác, là nói oan bởi Việt Nam đã có những bước tiến nhất định, thị trường trở nên minh bạch và lành mạnh hơn".
Với sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý và sự phát triển của các sản phẩm đầu tư chuyên nghiệp, TTCK đã mang lại nhiều cơ hội tích lũy tài sản bền vững cho nhà đầu tư.
Nhà đầu tư không còn "ngây thơ", đã bắt đầu nghiên cứu thị trường
Theo ông Phạm Lưu Hưng, hiện tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân đang chiếm phần lớn trên thị trường, có thời điểm lên đến trên 90%. Điều này dẫn đến mức độ biến động khá cao so với các TTCK trong khu vực khi tư duy đầu cơ (kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn) vẫn còn rất phổ biến.
"Nhiều người trẻ tham gia thị trường với kỳ vọng tăng gấp đôi, gấp ba tài khoản trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, thị trường không hoạt động theo cách đó. Để thành công, nhà đầu tư phải học cách đối mặt với rủi ro và kiên nhẫn với những chiến lược dài hạn", ông Hưng nhấn mạnh.
Ông Hưng khẳng định thị trường đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển và điều chỉnh. Những biến động lớn trong các năm 2007-2008, 2018-2019, hay gần đây nhất là giai đoạn 2020-2022 đã tạo ra nhiều bài học quý giá cho nhà đầu tư.
Vị chuyên gia chia sẻ: “Nhà đầu tư không còn “ngây thơ” như những năm 2006-2007, khi mà chỉ cần mua cổ phiếu là có lãi. Giờ đây, họ đã bắt đầu nghiên cứu kỹ lưỡng hơn trước khi đưa ra quyết định”.
Sự phát triển này không chỉ đến từ kinh nghiệm cá nhân của mỗi nhà đầu tư mà còn là kết quả của các nỗ lực từ cơ quan quản lý và các công ty chứng khoán.
“Sự phát triển của nhà đầu tư đã giúp cho thanh khoản tăng thì chất lượng nhà đầu tư cũng tăng theo. Nói theo kiểu triết học, đó là lượng tăng một thì đâu đó ta cũng thấy chất đổi nhất định. Nên tôi nghĩ, nói bây giờ có rất nhiều người tham gia đầu tư và có tư tưởng all in thì cũng chỉ là một phần thôi”, ông Hưng nhấn mạnh.
Khẩu vị rủi ro của người trẻ khác biệt so với thế hệ trước
PGS.TS Đỗ Hoài Linh cũng nhấn mạnh sự khác biệt về khẩu vị rủi ro giữa các thế hệ. Người trẻ, nhờ có thời gian dài để phục hồi sau thất bại, thường sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn hơn.
"Người trẻ đặt mục tiêu tăng trưởng nhanh, trong khi những người gần về hưu như tôi lại ưu tiên tính ổn định và an toàn", bà Linh tâm sự.
Đồng quan điểm, ông Phạm Lưu Hưng nhận định, giới trẻ hiện nay phải chịu nhiều áp lực từ bạn bè, tài chính cá nhân và chi phí sinh hoạt, dẫn đến tâm lý muốn giàu nhanh và khả năng chấp nhận rủi ro cao hơn so với thế hệ trước. Do đó, giới phân tích và quản lý thị trường cần hiểu rõ tâm lý giới trẻ để tạo ra các sản phẩm đầu tư phù hợp.
Tuy nhiên, một thực tế được chuyên gia SSI chỉ ra là khi nhà đầu tư tự mình trải nghiệm, họ sẽ nhận ra là những kỳ vọng của bản thân là quá cao. Ông Hưng dẫn chứng, các quỹ đầu tư ở Việt Nam thông thường chỉ lãi trung bình 15-20%/năm. Tuy nhiên, các nhà đầu tư hiện nay khi tham gia vào thị trường lại có những kỳ vọng rất lớn với tâm lý là muốn giàu nhanh, đặc biệt là các bạn trẻ, khi xem mạng xã hội có những trend rất độc hại như một tháng cổ phiếu tăng gấp 2 hay 3 lần. Do đó, nhà đầu tư xây cho mình những kỳ vọng rất cao và khó đạt được.
“Đôi lúc, chúng ta sẽ phải trải qua rất nhiều bài học theo một cách rất đau khổ để nhận ra là câu chuyện nhân 2, nhân 3 tài khoản liên tục là câu chuyện không có thật”.
Việc phát triển các sản phẩm, xây dựng các quỹ đầu tư phù hợp không chỉ giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng bền vững mà còn giảm thiểu rủi ro cho giới trẻ, trong khi vẫn đáp ứng được kỳ vọng lợi nhuận của họ.
>> Xem toàn bộ chương trình tại đây .
>> Insight Talk số 2: Hành trình từ tăng trưởng nóng đến phát triển bền vững của TTCK Việt Nam
Đề xuất sửa Luật Chứng khoán: Loại nhà đầu tư cá nhân khỏi thị trường trái phiếu riêng lẻ 
Thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được nâng hạng ngay trong tháng 3/2025