Vừa qua, tại trụ sở Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã diễn ra lễ chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Dược Việt Nam - (Vinapharm) từ Bộ Y tế sang SCIC.
Việc chuyển giao vốn Nhà nước tại Vinapharm được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 471/TTg-ĐMDN ngày 27/5/2023 về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước về SCIC.
Tham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo: Bộ Y tế, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước và Vinapharm.
Vinapharm có tổng vốn điều lệ 2.370 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là 1.540 tỷ đồng, chiếm 65% vốn điều lệ. Vinapharm kinh doanh các lĩnh vực: Dược phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế, mỹ phẩm, chế phẩm vệ sinh; nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ dược…
Sau khi tiếp nhận chuyển giao, với vai trò cổ đông, SCIC sẽ tiến hành rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp; trường hợp cần thiết sẽ thực hiện tái cấu trúc tài chính và hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó tối ưu hóa giá trị phần vốn Nhà nước.
Phát biểu tại buổi lễ chuyển giao, ông Lê Đức Luận, Thứ trưởng Bộ Y tế mong muốn với sự chuyên nghiệp trong quản trị doanh nghiệp của SCIC, trong thời gian tới, Tổng công ty sẽ quan tâm, chỉ đạo, có chiến lược đầu tư phát triển giúp Vinapharm tăng cường khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh nhiều thị phần hơn. Sau khi chuyển giao vốn Nhà nước cho SCIC quản lý, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đồng hành, tích cực hỗ trợ để doanh nghiệp ngày càng phát triển, bảo toàn và phát huy vốn Nhà nước.
Thay mặt lãnh đạo SCIC, ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch HĐTV SCIC cảm ơn Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công tác bàn giao Vinapharm từ Bộ Y tế về SCIC. SCIC phấn khởi trước những chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Y tế và chia sẻ chức năng nhiệm vụ các bên, triển khai làm thế nào để giúp doanh nghiệp phát triển hiệu quả hơn.
SCIC đã từng tiếp nhận hơn 1.000 doanh nghiệp, tái cơ cấu và thoái vốn. Trong danh mục hiện nay, có 3 doanh nghiệp ngành dược lớn nằm trong top 10 tại thị trường Việt Nam. Sau khi tiếp nhận Vinapharm, SCIC sẽ xây dựng đề án để tối ưu hoá sản xuất, quản trị, kinh doanh và thúc đẩy chia sẻ trong danh mục ngành dược của SCIC.
Với nguồn lực tài chính, kinh nghiệm quản trị cùng với nhiều đối tác nước ngoài của SCIC, SCIC sẵn sàng đầu tư mở rộng nguồn vốn để đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ. Với tư cách là cổ đông đại diện sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, SCIC sẽ tiếp tục triển khai chỉ đạo của Bộ Y tế, phối hợp với các cổ đông khác để nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế và một số nước trong khu vực để có thể xuất khẩu sang thị trường quốc tế. SCIC mong muốn Bộ Y tế hỗ trợ SCIC trong việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
SCIC sẽ thực hiện các nhiệm vụ của một cổ đông, trước mắt sẽ tổ chức ĐHCĐ theo quy định của pháp luật, bao gồm các vấn đề sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu, nhân sự, chiến lược. Đồng thời, tiếp tục xử lý các vấn đề còn tồn tại, đồng hành cùng Vinapharm phối hợp để giải quyết trong thời gian sớm nhất.
Tiếp thu chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Y tế và Chủ tịch HĐTV SCIC, ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dược Việt Nam cảm ơn Bộ Y tế đã quan tâm để Vinapharm ngày càng phát triển và quyết tâm khi chuyển sang SCIC, Vinapharm sẽ tiếp tục tuân thủ đầy đủ các quy định, chiến lược và nỗ lực trong việc thực hiện chiến lược kinh doanh SCIC giao cho.
Đại gia Phương Hữu Việt, SJC sở hữu bao nhiêu tại Viet A Bank? 
Nhận cổ tức, Tổng công ty Dược Việt Nam (DVN) báo lãi gấp 4 lần cùng kỳ lên 350 tỷ đồng