3 tuần cuối quý 2, giá trị khoản đầu tư cổ phiếu API và IDJ của Chứng khoán APEC (APS) chuyển từ lãi 280 tỷ sang lỗ 140 tỷ.
CTCP Chứng khoán APEC (Mã APS  - HOSE) công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023 với doanh thu hoạt động tăng 316% so với cùng kỳ lên 233 tỷ đồng trong đó thu lãi từ tài sản FVTPL tăng 14 lần lên mức 226 tỷ; lãi từ cho vay và doanh thu môi giới đều giảm và không đáng kể.
Nhờ chi phí hoạt động ghi nhận giảm 58% còn 209 tỷ nên APS vẫn kịp lãi sau thuế hơn 16 tỷ đồng trong khi quý 2 năm ngoái lỗ 363 tỷ.
Lũy kế 6 tháng, doanh thu hoạt động của Chứng khoán APEC tăng 126% lên mức 360 tỷ; lợi nhuận sau thuế đạt 46 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ ròng hơn 300 tỷ).
So với kế hoạch 855 tỷ doanh thu và 230 tỷ lãi sau thuế, sau nửa năm, APS đã thực hiện được 42% và 20% chỉ tiêu cả năm.
Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của APS đạt 1.023 tỷ đồng, trong đó danh mục FVTPL có giá gốc gần 679 tỷ đồng. Danh mục đầu tư cổ phiếu có API, IDJ (thuộc hệ sinh thái APEC Group) cùng các mã CTI, DPG, CRE, HCD, TNH, DXS,… Giá gốc đầu tư là 455 tỷ đồng (công ty đang tạm lỗ 142 tỷ).
API và IDJ là 2 khoản đầu tư lớn nhất của công ty với giá trị gốc đầu tư lần lượt 189 tỷ và 170 tỷ. Tuy nhiên đến cuối quý 2, khoản đầu tư tại API tạm lỗ 105 tỷ đồng (-55,6%) và khoản đầu tư tại IDJ lỗ 36,7 tỷ (-21,6%).
Phát biểu tại ĐHCĐ thường niên 2023 lần 2 ngày 8/6 của Chứng khoán APEC (thời điểm nhóm cổ phiếu APEC bắt đầu xuất hiện tin đồn và lao dốc), ông Nguyễn Đỗ Lăng - Tổng Giám đốc APS cho biết, khoản đầu tư của APS vào 2 cổ phiếu API và IDJ đến nay tạm lãi 260 tỷ đồng. Nếu tiếp tục nắm giữ cho đến cuối năm, mức lãi có thể lên tới 400 - 500 tỷ đồng.
Theo tính toán, từ thời điểm 8 - 30/6/2023, cổ phiếu API và IDJ đã giảm từ 40 - 50%. Như vậy chỉ trong 3 tuần cuối tháng 6, giá trị danh mục đầu tư cổ phiếu của Chứng khoán APEC đã giảm khoảng 400 tỷ đồng (bao gồm 260 tỷ đồng khoản lãi ước tính và hơn 140 tỷ khoản lỗ so với giá gốc đầu tư).
Theo ông Lăng, API và IDJ là hai mã cổ phiếu tốt trên thị trường. Tuy nhiên, nếu hai cổ phiếu này tăng tới ngưỡng đủ để hiện thực hóa lợi nhuận, APS sẵn sàng bán ra nhằm bảo vệ tốt nhất thành quả đạt được cũng như quyền lợi của cổ đông.
“Nếu chúng tôi bán API và IDJ thì cũng chỉ là động thái chốt lời, bảo vệ thành quả. Điều này cũng giúp APS có thêm nguồn lợi nhuận để chia cổ tức cao hơn, năm sau có thể chia cổ tức tỷ lệ 25%”, ông Lăng nói.
Chia sẻ thêm về các khoản đầu tư này, ông Phạm Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT APS cho biết, API và IDJ hiện chiếm khoảng 70 - 80% giá trị danh mục tự doanh của công ty. Ngoài ra, Chứng khoán APEC còn đầu tư vào DBD, BCG và một số cổ phiếu tăng trưởng nóng khác.
Theo ghi nhận tại thuyết minh báo cáo tài chính quý 2, APS đang tạm lãi gần 200 triệu đồng với cả 2 cổ phiếu DTD và BCG. Tuy nhiên giá trị gốc đầu tư đều không đáng kể.
Ở chiều ngược lại, công ty đã xả bán phần lớn cổ phiếu HPG, CEO, NBB trong danh mục (giá gốc đầu tư khoảng 130 tỷ đồng).
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu APS cùng 2 mã API và IDJ sau thông tin khởi tố vụ án hình sự “Thao túng thị trường chứng khoán và bắt ông Nguyễn Đỗ Lăng cùng loạt lãnh đạo có liên quan đều đã giảm 60% giá trị kể từ đầu tháng 6 (hiện giao dịch tại vùng giá 5.500 - 6.500 đồng/cp.
Xem thêm: Ông Nguyễn Đỗ Lăng: Chứng khoán đem tới quá nhiều đau khổ
Chứng khoán APEC có CEO mới thay ông Nguyễn Đỗ Lăng, cổ phiếu tăng 42% sau 1 tháng 
Chứng sĩ "gồng lãi" cổ phiếu nhóm APEC 19 tháng trước giờ ra sao?