Cổ phiếu CII giảm 35% sau 1 tháng, CEO Lê Quốc Bình nói "bây giờ đầu tư gì cũng rủi ro"
Nhịp giảm gấp gáp 1 tuần qua đã khiến cổ phiếu CII chìm sâu dưới các đường hỗ trợ MA ngắn/trung hạn. Lực bán nhỏ lẻ gia tăng trong bối cảnh dòng tiền lớn đã rút đi khiến cổ phiếu mất đi lực đỡ.
Thị trường chứng khoán giảm thêm 15 điểm trong phiên 19/10 qua đó nối dài chuỗi giảm lên con số 4. May mắn hơn VN-Index, cổ phiếu CII  của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (sàn HOSE) sau 3 phiên rớt mạnh (trong đó có 2 phiên nằm sàn ngày 17 và 18/10) đã tăng trở lại với biên độ 1% lên mức 15.200 đồng (ngưỡng kháng cự giai đoạn đầu tháng 12/2022 - đầu tháng 4/2023).
Đáng nói trong phiên, có thời điểm mã tăng 4,8% lên mức 15.750 đồng/cp trước khi bị bán lan từ hiệu ứng giảm điểm của thị trường. Vô hình chung, dù kết phiên tăng giá song những nhà đầu tư nhập cuộc tại vùng giá 15.6 - 15.7x đã lỗ ngay 2 - 3%.
6 phiên gần nhất, cổ phiếu CII đã giảm 17,4% từ mức 18.400 đồng/cp. Rộng hơn, đà giảm đã diễn ra trong 1 tháng trở lại đây sau khi giá CII chinh phục bất thành mốc 23.500 đồng/cp ngày 13/9 (mức cao nhất 13 tháng). Tạm tính những nhà đầu tư mua vào tại thời điểm này đã lỗ hơn 35%.
Nhịp giảm gấp gáp 1 tuần qua đã khiến giá CII chìm sâu dưới các đường hỗ trợ MA ngắn/trung hạn. Lực bán nhỏ lẻ gia tăng trong bối cảnh các dòng tiền lớn đã rút đi khiến cổ phiếu mất đi lực đỡ; RSI có lần đầu tiên rơi về ngưỡng quá bán kể từ giữa tháng 11 năm ngoái.
Nhà đầu tư cân nhắc kỹ trước khi xuống tiền tại thời điểm này, nhất là khi VN-Index tiếp tục được dự báo có thể điều chỉnh về các mức sâu hơn để tìm lực cầu mới.
Thông tin đáng chú ý:
Sáng 17/10 vừa qua, CII đã tổ chức thành công ĐHCĐ bất thường năm 2023 lần hai.
Tại Đại hội, ông Lê Quốc Bình , Tổng Giám đốc CII đã chia sẻ lý do ông và vợ mang toàn bộ cổ phiếu ra bán. Cụ thể, ông Bình đăng ký bán hơn 6 triệu cổ phiếu - tỷ lệ 2,13% vốn từ 10/10 - 8/11. Cùng thời điểm, bà Phạm Thị Thuý Hằng - vợ ông Lê Quốc Bình đăng ký bán toàn bộ 4 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1,41% vốn).
Theo ông Bình, việc bán ra toàn bộ cổ phiếu với mục đích chuyển từ cổ đông sang chủ nợ (đầu tư trái phiếu chuyển đổi của CII). Đây là khoản đầu tư dài hạn vào CII. Nắm giữ trái phiếu, số lượng trái phiếu khi chuyển đổi sẽ được nhiều cổ phiếu hơn. Nếu khi nào ông nghỉ hưu, ông mới nghĩ tới không nắm giữ CII.
"Bây giờ đầu tư gì cũng rủi ro, CII đang có dòng tiền ổn định, mua trái phiếu CII là khoản đầu tư thông minh. Sau khi bán cổ phiếu ra sẽ đăng ký mua trái phiếu, có thể bỏ thêm tiền nữa để mua trái phiếu phát hành thêm", ông Bình nhấn mạnh.
Chia sẻ ước tính kết quả kinh doanh quý 3 và cả năm, CEO CII nhấn mạnh: "Năm 2023, doanh nghiệp nào còn tồn tại là mừng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cơ sở hạ tầng, bất động sản, gần như nhiều doanh nghiệp chỉ nói tới tồn tại, không đề cập tăng trưởng trong đó CII không phải ngoại lệ.
Kết quả kinh doanh quý III và cả năm 2023 không đạt được kỳ vọng như kế hoạch đầu năm, các hồ sơ pháp lý dự án bất động sản gần như không có dự án nào thông được, hai lĩnh vực chính của Công ty là hạ tầng và bất động sản bị ảnh hưởng, vì vậy khó hoàn thành kế hoạch kinh doanh.
Cả thị trường chưa tốt, công ty cũng không tránh khỏi, nằm ngoài khả năng của ban lãnh đạo", ông Bình cho biết thêm.
Xem thêm: Cổ phiếu GEX, KBC, DCM, DGC, PVT, CII, DIG,... bị "đánh úp", VN-Index mất 20 điểm cuối phiên
CII gây bất ngờ với chương trình quay số trúng thưởng tại ĐHCĐ: Giải đặc biệt 500 triệu đồng 
Cổ đông CII có cơ hội trúng 500 triệu đồng khi dự họp ĐHCĐ ngày 15/1/2025