Cổ phiếu DIC Corp (DIG) chia 5 từ đỉnh, nhà đầu tư gồng lỗ đến bao giờ?
Cổ phiếu DIC Corp (DIG) đã mất 4/5 giá trị kể từ đỉnh 2022, gây thua lỗ lớn cho nhà đầu tư. Kết quả kinh doanh kém hiệu quả với EPS giảm mạnh và tài chính yếu khiến cổ phiếu này gặp nhiều áp lực trong nửa năm trở lại đây.
Gần 3 năm kể từ thời điểm cổ đông DIC Corp (Mã DIG ) hân hoan tại vùng đỉnh lịch sử 120.000 đồng/cp (giá trước pha loãng), đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu DIG đã giảm xuống chỉ còn một phần năm giá trị. Với việc 4 phần "bốc hơi," nhiều cổ đông từ vùng đỉnh tháng 1/2022 đến nay vẫn trong tình cảnh thua lỗ.
Cơn sốt cổ phiếu bất động sản giai đoạn 2020-2021 đi qua để lại một thế hệ nhà đầu tư "đu đỉnh" và chịu lỗ. Với mức giá chỉ còn 20.000 đồng/cp vào giữa tháng 10/2024, DIC Corp không phải là ngoại lệ.
Cổ phiếu DIG mất 4/5 giá trị sau gần ba năm. Từ diễn biến giá cổ phiếu, kết quả kinh doanh đến sức khỏe tài chính, hầu hết các thống kê về DIC Corp đều cho thấy sự tăng trưởng âm.
Cổ phiếu DIG chia 5 giá trị sau gần ba năm |
Không còn con số doanh thu gần 2.600 tỷ đồng và lãi sau thuế xấp xỉ 1.000 tỷ như năm 2021, tình hình kinh doanh sa sút trong bối cảnh khó khăn của thị trường bất động sản đã khiến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng yếu đi. Năm 2023, công ty chỉ báo lãi vỏn vẹn 112 tỷ đồng (mức thấp nhất kể từ năm 2016).
Doanh thu giảm, giá vốn tăng liên tục làm bào mòn biên lãi gộp; lợi nhuận từ các công ty liên doanh, liên kết biến động thất thường. Yếu tố kỳ vọng trong báo cáo tài chính của DIC Corp trong những quý/năm gần đây chủ yếu đến từ doanh thu tài chính và các khoản lợi nhuận khác.
Sau đợt tăng vốn điều lệ năm 2022 giúp vốn chủ sở hữu gia tăng, đến nay, DIC Corp chưa có thêm động thái tăng vốn nào. Quy mô tổng tài sản dù cải thiện lên hơn 16.800 tỷ đồng (cuối năm 2023) nhưng không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp tạo ra nhiều giá trị hơn cho cổ đông hiện hữu. Phần lớn nguồn vốn DIC Corp vẫn nằm trong hàng tồn kho và các khoản phải thu (chiếm hơn 12.600 tỷ đồng).
Theo dữ liệu từ Chứng khoán TCBS, từ quý I/2022 đến hết quý II/2024, giá cổ phiếu giảm mạnh và lợi nhuận "teo tóp" khiến hệ số P/E của DIG tăng vọt lên hàng trăm lần. EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) giảm từ 1.600 đồng xuống còn 150 đồng/cp. EPS giảm khiến cổ phiếu trở nên đắt đỏ về mặt định giá, từ đó thúc đẩy các hoạt động bán ra, khiến cổ phiếu mất đà.
Nguồn TCBS |
Từ mức ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) và ROA (lợi nhuận trên tổng tài sản) đạt 16% và 6,9% hồi quý I/2022, đến quý II/2024, con số này chỉ còn 1,2% và 0,6%.
Vào trung tuần tháng 10/2023, cổ phiếu DIG có giá 20.x đồng đã bật tăng gần 70% trong nửa năm, đạt mức hơn 33.000 đồng/cp. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 6 tháng sau đó, cổ phiếu lại về giá ban đầu. Kết phiên 15/10/2024, DIG giảm 5,9% về mức 20.000 đồng, khớp lệnh 25 triệu đơn vị. Nếu tiếp tục giảm với mức tương tự trong phiên kế tiếp, mã này có nguy cơ thủng đáy một năm.