Cổ phiếu ngân hàng tăng trần hàng loạt, vốn hóa tăng vọt 136.000 tỷ đồng sau 1 phiên
26/27 mã cổ phiếu ngân hàng tăng kịch trần trong phiên 10/4, khiến nhà đầu tư "choáng váng" trước cú lật ngược thị trường chỉ sau một đêm.
Cổ phiếu “tím lịm” hàng loạt
Ngày 10/4, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến một phiên giao dịch bùng nổ hiếm có với loạt kỷ lục được thiết lập. VN-Index tăng vọt 74,04 điểm, tương đương 6,77%, lên 1.168,34 điểm. Chỉ số HNX-Index cũng tăng mạnh 15,74 điểm (8,17%), lên 208,32 điểm.
Đặc biệt, chỉ số VN30-Index tăng kịch biên độ 6,9% (tăng 80,61 điểm), đạt 1.249,29 điểm khi toàn bộ 30 cổ phiếu bluechip trong rổ đều tăng trần – một hiện tượng chưa từng xảy ra trước đó.
Thị trường chứng kiến 719 mã cổ phiếu tăng hết biên độ, sắc tím phủ kín bảng điện tử từ đầu đến cuối phiên. Tình trạng tranh mua giá trần nhưng không ai bán hoàn toàn trái ngược với phiên trước đó, khi cổ phiếu bị bán sàn mà không ai mua.
Cú “quay xe” chóng mặt khiến nhiều nhà đầu tư không kịp trở tay – người bán hôm trước ngậm ngùi, người chưa mua được thì tiếc nuối. Đến cuối phiên, riêng nhóm VN30 ghi nhận tổng dư mua giá trần vượt 600 triệu cổ phiếu, trong đó HPG (Hòa Phát) dư mua gần 100 triệu, SSI gần 70 triệu và TCB hơn 50 triệu đơn vị.
Dù chỉ số và cổ phiếu tăng mạnh, nhưng thanh khoản thị trường lại ở mức thấp kỷ lục. Tổng giá trị giao dịch chỉ đạt hơn 8.000 tỷ đồng – bằng khoảng 20% so với mức bình quân những phiên gần đây.
Diễn biến tăng sốc này được cho là bắt nguồn từ thông tin Nhà Trắng tuyên bố gia hạn 90 ngày việc áp thuế đối ứng với 75 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, thông tin Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc có cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Mỹ vào đêm 9/4 (giờ Việt Nam) đã phần nào giúp nhà đầu tư lấy lại niềm tin.
Cùng lúc, chứng khoán châu Á cũng đồng loạt khởi sắc. Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 9,13%, Kospi (Hàn Quốc) tăng 6,6%, TAIEX (Đài Loan) tăng 9,25%, Hang Seng tăng 2,27%, Shanghai Composite tăng 1,16%, và nhiều chỉ số khu vực Đông Nam Á tăng 4–6%.
![]() |
VN-Index tăng vọt 74,04 điểm, tương đương 6,77%, lên 1.168,34 điểm. |
>> Đề nghị điều tra Tổng thống Donald Trump vì hành vi thao túng thị trường tài chính
Ngân hàng “đồng thanh tím trần”
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng không nằm ngoài xu hướng tăng mạnh. Trong 27 cổ phiếu ngân hàng, có tới 26 mã tăng trần. Duy nhất SGB là cổ phiếu không tăng trần nhưng vẫn ghi nhận mức tăng 13,56% nhờ niêm yết trên UPCoM.
Thanh khoản nhóm ngân hàng giảm sâu do không có nguồn cung, với tổng khối lượng chỉ đạt hơn 103 triệu cổ phiếu, tương đương 1.685 tỷ đồng – giảm tới 83% so với phiên trước.
Vốn hóa thị trường nhờ đó tăng mạnh, từ 1,932 triệu tỷ đồng lên 2,068 triệu tỷ đồng, tương đương tăng thêm hơn 136.000 tỷ đồng chỉ trong một phiên.
Cùng với diễn biến thị trường, mùa đại hội cổ đông (ĐHĐCĐ) 2025 của các ngân hàng đang nóng lên với tâm điểm là kế hoạch tăng vốn điều lệ. Việc tăng vốn được xem là động lực để các ngân hàng đáp ứng tiêu chuẩn Basel III và phục vụ mục tiêu tăng trưởng tín dụng.
Tại ACB, Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy cho biết ngân hàng dự kiến phát hành gần 670 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tăng vốn điều lệ lên gần 51.367 tỷ đồng. Vietcombank đặt mục tiêu tăng vốn lên gần 89.000 tỷ đồng thông qua chào bán hơn 543 triệu cổ phiếu riêng lẻ. OCB cũng dự kiến phát hành hơn 197 triệu cổ phiếu, nâng vốn từ 24.657 tỷ đồng lên 26.630 tỷ đồng.
Các ngân hàng quy mô nhỏ hơn cũng không đứng ngoài cuộc. Saigonbank dự kiến phát hành gần 33,9 triệu cổ phiếu để nâng vốn từ 3.388 tỷ lên 3.727 tỷ đồng. Vietbank muốn tăng vốn thêm 3.780 tỷ đồng qua hai đợt phát hành, có thể nâng vốn lên gần 10.920 tỷ đồng. BVBank sẽ phát hành 68,98 triệu cổ phiếu để nâng vốn lên hơn 6.200 tỷ đồng.
Ngoài phát hành cổ phiếu, nhiều ngân hàng còn lựa chọn phát hành trái phiếu dài hạn nhằm tăng vốn cấp 2. Theo VIS Rating, trong quý I/2025, nhóm ngân hàng chiếm 41,7% tổng dư nợ trái phiếu toàn thị trường. Nhiều cái tên quen thuộc như BVBank, VietinBank, SHB, MB, HDBank và ACB lọt top phát hành nhiều nhất.
![]() |
Chủ tịch Trần Hùng Huy đăng tải sau đại hội cổ đông. Nguồn: FBNV |
Mục tiêu tăng vốn điều lệ trong năm 2025 được các ngân hàng xác định nhằm đáp ứng yêu cầu an toàn vốn theo chuẩn Basel III – một bước đi chiến lược để nâng cao nội lực và khả năng cạnh tranh. Theo MBS, hiện đã có hơn 20 ngân hàng áp dụng Basel II và 13 ngân hàng công bố hoàn tất các chỉ tiêu Basel III như OCB, HDBank, ACB, Techcombank, VPBank...
Ngoài yếu tố tuân thủ quy định, tăng vốn còn là bước đệm để ngân hàng mở rộng dư địa tín dụng, đặc biệt trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% trong năm 2025 gắn với nhu cầu đầu tư công và phát triển hạ tầng quy mô lớn. Chẳng hạn, Vietcombank cho biết sẽ dùng một phần vốn tăng thêm để cấp tín dụng cho các dự án trọng điểm quốc gia, đồng thời đầu tư vào hạ tầng công nghệ để phục vụ mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2030.
Một Phó Tổng Giám đốc muốn bán ra gần 2 triệu cổ phiếu ngân hàng
Một cổ phiếu ngân hàng tăng kịch trần giữa ‘cơn bão’ giảm điểm của VN-Index