Dù mới ghi nhận tình trạng kinh doanh thua lỗ trong 2 năm gần nhất song hơn 278,5 triệu cổ phiếu POM của Thép Pomina vẫn nhận án hủy niêm yết trên sàn HoSE.
Ngày 2/4, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) ra thông báo về việc hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu của CTCP Thép Pomina (Mã POM ) do doanh nghiệp vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính trong 3 năm liên tiếp.
Cùng ngày, HoSE đã có thông báo nhắc nhở Pomina về việc công ty chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023. Đây đã là lần nhắc nhở thứ 3 sau các năm 2021 và 2022.
Ngay trong những ngày đầu tháng 4, cổ phiếu APC  của CTCP Chiếu xạ An Phú (sàn HoSE) - doanh nghiệp chiếu xạ duy nhất trên sàn - cũng vừa nhận quyết định huỷ niêm yết bắt buộc trên sàn HoSE do tình trạng doanh nghiệp thua lỗ 3 năm liên tiếp.
Được biết, cả Pomina và Chiếu xạ An Phú đều đóng "đại bản doanh" tại thủ phủ công nghiệp Bình Dương.
Cách đây 1 năm, hơn 278,5 triệu cổ phiếu POM đã vào diện chứng khoán bị kiểm soát do chậm công bố báo cáo kiểm toán hai lần liên tiếp.
Ngày 28/3 vừa qua, Thép Pomina đã có đơn gửi UBCKNN và HoSE về việc xin gia hạn thời gian nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 đến ngày 15/5. Công ty cho biết hiện đang tích cực làm việc với đối tác đầu tư cho phương án tái cấu trúc để cung cấp cho kiểm toán xem xét đánh giá khả năng giả định hoạt động liên tục, cùng với các bằng chứng chắc chắn cho giả định này để khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu.
Tại báo cáo hợp nhất chưa kiểm toán năm 2023, Pomina ghi nhận doanh thu 3.281 tỷ đồng - giảm 75% so với cùng kỳ, lỗ sau thuế thêm 960 tỷ. Năm trước đó, công ty cũng lỗ 1.167 tỷ đồng.
Cùng với kết quả kinh doanh sa sút nghiêm trọng, tình hình tài chính của POM cũng gặp nhiều vấn đề. Tại thời điểm cuối năm 2023, nợ phải trả của công ty ở mức hơn 8.800 tỷ đồng - gấp 5,5 lần vốn chủ sở hữu. Trong số này, các khoản vay ngắn hạn lên tới gần 5.500 tỷ đồng đang gây sức ép lên khả năng thanh toán lãi vay của công ty.
Cuối tháng 1 vừa qua, Pomina bất ngờ thông báo ngừng kế hoạch chào bán 70 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược đến từ Nhật Bản - Nansei. Ban đầu POM dự định huy động vốn ngoại để khởi động lại lò cao và tái cấu trúc để tăng năng lực tài chính.
Diễn biến cổ phiếu POM |
Trên thị trường, bức tranh kinh doanh sa sút, cổ đông lớn và nhóm cổ đông có liên quan đến lãnh đạo liên tục bán vốn trong thời gian qua đã đẩy giá POM giảm mạnh.
Mới nhất, bà Nguyễn Thị Tuyết - vợ của ông Đỗ Xuân Chiểu - thành viên HĐQT Pomina vừa báo cáo đã bán ra gần 2,9/8,2 triệu cổ phiếu đăng ký bán. Giao dịch được thực hiện theo phương thức thoả thuận và khớp lệnh từ 26/2-22/3.
Không chỉ bà Tuyết, hơn nửa năm trở lại đây, Pomina chứng kiến làn sóng thoái vốn của loạt cổ đông lớn, cổ đông nội bộ với số lượng hàng chục triệu đơn vị.
>> Thép Pomina (POM): Khi doanh nghiệp và cổ đông cùng 'khóc'