Doanh nghiệp A-Z

Cổ phiếu thủng đáy 8 năm, 'đại gia' buôn thép chưa thoát vận đen với Novaland và Xây dựng Hòa Bình

Thu Huyền 15/10/2024 - 13:56

Trong 3 tháng gần đây, thị giá cổ phiếu của đại gia buôn thép đã “bốc hơi” 67%, vốn hóa theo đó giảm xuống chỉ còn khoảng 517 tỷ đồng.

Mới đây, Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam thông báo 250.000 cổ phiếu SMC thuộc ESOP 2022 sẽ được điều chỉnh từ hạn chế chuyển nhượng sang tự do, hiệu lực từ ngày 10/10/2024.

Ngay sau đó, cổ phiếu của CTCP Đầu tư Thương mại SMC đã ghi nhận đà giảm 4 phiên liên tiếp. Tại 10h50 ngày 15/10, mã thép này “rơi” mạnh hơn 6,3% xuống còn 6.580 đồng/cp, thủng đáy 8 năm.

Đáng chú ý, chỉ trong 3 tháng gần đây, vốn hóa thị trường của SMC đã “bốc hơi” 67% xuống còn 516,7 tỷ đồng.

Cổ phiếu thủng đáy 8 năm, 'đại gia' buôn thép chưa thoát vận đen với Novaland và Xây dựng Hòa Bình
Cổ phiếu SMC thủng đáy 8 năm

Cổ phiếu bắt đầu ghi nhận đà giảm mạnh ngay sau khi công bố kết quả kinh doanh quý II/2024 không mấy khả quan khi doanh thu giảm 42% so với cùng kỳ xuống còn 2.240 tỷ đồng. Các chi phí khác tăng cao khiến cho SMC báo lỗ 114 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 20,8 tỷ đồng.

Đáng chú ý là các khoản công nợ liên quan đến Tập đoàn Novaland (NVL) và Xây dựng Hòa Bình (HBC). Đến cuối tháng 6/2024, SMC ghi nhận lỗ hơn 22% từ khoản đầu tư vào cổ phiếu HBC, sau khi hoán đổi từ khoản nợ trị giá 104,7 tỷ đồng. Khoản đầu tư này có nguy cơ mất trắng do tình hình kinh doanh của HBC suy yếu. HBC đã ghi nhận lỗ lũy kế âm 3.240 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp, khiến cổ phiếu HBC bị hủy niêm yết trên HoSE.

Hệ sinh thái của Novaland cũng đối mặt với nợ xấu nghiêm trọng, với Công ty TNHH Delta Valley Bình Thuận và Công ty TNHH The Forest City đứng đầu danh sách với hơn 700 tỷ đồng nợ xấu. SMC đã trích lập dự phòng 570 tỷ đồng cho các khoản nợ này.

Trong ĐHĐCĐ năm 2024, Phó Chủ tịch HĐQT, bà Nguyễn Ngọc Ý Nhi, cho biết nếu không xử lý được khoản nợ, SMC sẽ phải trích lập thêm 90 tỷ đồng trong quý II và gần 300 tỷ đồng cho cả năm 2024.

Cổ phiếu thủng đáy 8 năm, 'đại gia' buôn thép chưa thoát vận đen với Novaland và Xây dựng Hòa Bình
SMC liên tục lên kế hoạch bán tài sản thời gian qua (ảnh minh họa)

Thực tế, SMC đã liên tục lên kế hoạch bán tài sản để cơ cấu lại tài chính trong thời gian qua. Đầu tháng 10/2024, doanh nghiệp đã thông qua việc chuyển quyền chủ nợ đối với khoản nợ phải thu tại CTCP Beton 6 sang cho bà Nguyễn Thị Lan Anh. Giá trị khoản nợ là hơn 12,6 tỷ đồng và Đầu tư Thương mại SMC sẽ nhận lại từ bà Lan Anh số tiền 3 tỷ đồng. Như vậy, SMC chỉ nhận lại được 23,8% tổng giá trị khoản nợ.

Trước đó, SMC cũng thông qua việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Công ty TNHH MTV SMC Đà Nẵng với diện tích 27.731,4m² tại Khu công nghiệp Hòa Cầm, Đà Nẵng. Giá trị chuyển nhượng dự kiến hơn 96 tỷ đồng (bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Ngoài ra, tháng 1/2024, SMC đã bán quyền sử dụng đất thuê tại SMC Tân Tạo 2 với diện tích 9.096m², giá trị chuyển nhượng dự kiến 126 tỷ đồng. Ngày 11/4/2024, công ty cũng thông qua việc chuyển nhượng tòa nhà văn phòng tại 681 Điện Biên Phủ, TP. HCM, với giá trị 170 tỷ đồng.

>> Gặp khó vì Novaland (NVL) và Hòa Bình (HBC), ‘đại gia’ buôn thép phải bán quyền chủ nợ rẻ, chịu lỗ 76%

Hòa Phát lãi hơn 3.000 tỷ đồng trong quý III/2024, HPG nhiều khả năng vượt mốc 31.000 đồng/cp

Bài toán khó của Hòa Phát (HPG) trong việc hiện thực hóa tham vọng sản xuất thép cho tuyến đường sắt gần 70 tỷ USD

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/co-phieu-thung-day-8-nam-dai-gia-buon-thep-chua-thoat-van-den-voi-novaland-va-xay-dung-hoa-binh-253780.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Cổ phiếu thủng đáy 8 năm, 'đại gia' buôn thép chưa thoát vận đen với Novaland và Xây dựng Hòa Bình
    POWERED BY ONECMS & INTECH