Giai đoạn hé lộ báo cáo tài chính quý III/2021 sẽ là lúc dòng tiền thị trường sàng lọc lại các cổ phiếu mạnh thuộc doanh nghiệp hưởng lợi từ đầu tư công, thay vì “tăng cả cụm” như hiện nay. Cần lưu ý rằng, khi dịch bệnh tạm lắng, các hoạt động được khôi phục trở lại thì việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công sẽ rất mạnh.
Theo quan sát, câu chuyển thúc tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công trong thời gian qua đã tăng trưởng mạnh với mức vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước - tăng 34% so với con số 8 - 12% các năm trước đã trở thành động lực lớn giúp GDP tăng trưởng dương trong năm 2020. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành vật liệu xây dựng như sắt, thép, gỗ, gạch, đá… đã cải thiện lợi nhuận một cách rõ rệt. Đi kèm với diễn biến thị trường chứng khoán trong nước thăng hoa, dòng tiền trên thị trường dồi dào, giá các cổ phiếu xây dựng, vật liệu xây dựng đã có sóng tăng mạnh.
Sau đợt tăng giá ấn tượng vào nửa đầu năm 2021, các cổ phiếu ngành thép như HPG, TLH, SMC, NKG, HSG… tiếp tục có sóng ngắn.
Trong vòng 1 tuần qua, cổ phiếu TLH tăng hơn 14%, SMC gần 8%, NKG 10,2% trong khi HSG tăng 3,5%, và HPG chỉ nhích nhẹ hơn 1,6%.
Cùng thời gian, các cổ phiếu vật liệu xây dựng khác như xi măng, gỗ, đá xây dựng có mức tăng khá tốt. Chẳng hạn, nhóm xi măng, chỉ trong vòng 1 tuần qua, cổ phiếu HT1 tăng giá 19%, BCC tăng gần 25%, HOM hơn 18%, PTE hơn 14%… Nhóm đá xây dựng, thị giá KSB đã vượt đỉnh, tăng 20,6% trong tuần qua; C32 tăng 11,11%, DHA tăng 10%, VLB tăng hơn 6%… Trong nhóm doanh nghiệp sản xuất nhựa đường, PLC tăng gần 23%.
Ở nhóm xây dựng, xây lắp hạ tầng, LCG tăng hơn 18%, FCN tăng 7,6%… Trong các nhóm này, nhiều cổ phiếu đã có kết quả kinh doanh tích cực trong nửa đầu năm và thêm các yếu tố kích thích khác (như M&A, phát hành, cổ đông mới…) đã tạo sự hưng phấn của các mã này.
Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, về bản chất, thị trường vẫn đang khao khát cơ hội đầu tư. Diễn biến dòng tiền luân chuyển qua nhiều nhóm ngành khi nhóm cổ phiếu ngân hàng đang tạm nghỉ, dòng tiền đầu cơ nhanh chóng chốt lời và cần đến một nhóm cổ phiếu khác, trong đó đầu tư công được lựa chọn với kỳ vọng rằng sau khi dịch bệnh kết thúc khoảng tháng 9 - 10 thì đầu tư công sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại. Nhưng đó mới đang là kỳ vọng, thực tế chưa diễn ra và chờ đợi diễn biến kiểm soát dịch.
Trong khi đó, theo quan điểm của ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE), nhiều cổ phiếu tăng giá dựa trên nền kỳ vọng chung về đầu tư công nhưng nhà đầu tư cũng cần chú ý, khi giá cả tất cả hàng hóa tăng lên, sẽ ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của nhiều ngành – khiến biên lợi nhuận mỏng đi. Chỉ những doanh nghiệp tự chủ hoặc có vị thế để qua đó giảm thiểu tác động của chi phí đầu vào tăng, thì mới tạo được cơ hội đầu tư tốt, nhà đầu tư cần có sự sàng lọc.
Sóng đầu tư công trên thị trường chứng khoán hiện nay chỉ mới chớm, trong ngắn hạn, sau khi giá tăng mạnh vì dòng tiền luân chuyển nhanh như hiện nay (do mất đi sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như ngân hàng, chứng khoán…) thì diễn biến giá tăng này có phần “cảm tính” nhiều hơn.
Ông Thành đánh giá, trong quý III/2021, sẽ chưa thấy được sự tác động tích cực về mặt kết quả kinh doanh, thậm chí nhiều doanh nghiệp có thể sẽ công bố con số suy giảm tăng trưởng so với cùng kỳ bởi tiến độ giải ngân vốn đầu tư công quý III bị đình trệ do dịch bệnh.
Giai đoạn hé lộ báo cáo tài chính quý III sẽ là lúc dòng tiền thị trường sàng lọc lại các cổ phiếu mạnh thuộc doanh nghiệp hưởng lợi từ đầu tư công thay vì “tăng cả cụm” như hiện nay. Cần lưu ý rằng, khi dịch bệnh tạm lắng, các hoạt động được khôi phục trở lại thì việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công sẽ rất mạnh.
Theo đó, ông Thành cho rằng, con sóng này chỉ mới bắt đầu, nói theo ngôn ngữ kỹ thuật tạm gọi là “mới sóng 1”, sẽ có một khoảng điều chỉnh, để mọi thứ rõ ràng hơn. Kỳ vọng từ cuối tháng 10 trở đi sẽ có sự sàng lọc dựa trên kết quả kinh doanh, nửa sau quý IV sẽ có diễn biến tích cực hơn ở các dự án hạ tầng.
7 ngân hàng có P/B dưới 1, xuất hiện đại diện nhóm VN30 
Doanh nghiệp vốn 1.200 tỷ bứt phá vào Top 3 lợi nhuận nhóm BĐS, vượt mặt NLG, DIG, PDR