Cổ phiếu VIX tăng mạnh nhất nhóm chứng khoán từ đầu năm, 1 doanh nghiệp ăn theo "trúng đậm"
Quý 2/2023, Chứng khoán VIX đạt lợi nhuận trước thuế 704 tỷ đồng - cao nhất toàn ngành chứng khoán.
Mặc dù đã xuất hiện trạng thái quá mua trong 3 tuần gần nhất song cổ phiếu Chứng khoán VIX  (sàn HOSE) vẫn chưa có dấu hiệu ngừng tăng giá.
Tại thời điểm 10h11 phiên 3/8, mã đang tăng 2,1% lên mức 16.700 đồng/cp.
Phiên trước đó, chỉ trong chưa đầy 30 phút cuối phiên, một lượng tiền mua lớn nhập cuộc đã kéo cổ phiếu VIX tăng trần lên mức 16.350 đồng/cp.
Quý 2/2023, Chứng khoán VIX ghi nhận doanh thu hơn 688 tỷ đồng - tăng gấp đôi cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 704 tỷ đồng (cao nhất toàn ngành chứng khoán); lãi sau thuế tăng 9,7 lần YoY lên 566 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty đạt doanh thu gần 960 tỷ đồng - tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái trong đó hơn 674 tỷ đồng đến từ mảng tự doanh (tăng 36% YoY); lợi nhuận trước thuế ở mức 715 tỷ (vượt gần 6% kế hoạch cả năm), lãi sau thuế đạt 576 tỷ đồng - tăng 77% so với cùng kỳ.
Tính từ khi công bố kết quả kinh doanh quý 2, cổ phiếu VIX liên tục bay cao. Tính từ mức 10.700 đồng/cp (phiên 29/6), đến nay VIX đã tăng 57%. Rộng hơn từ đầu quý 2, mã tăng 150% từ mức 6.700 đồng/cp.
Nếu tính từ đầu năm, cổ phiếu VIX đã tăng gần 3 lần (+190%) sau 7 tháng. Cùng với cú ngã ngựa của cổ phiếu APS (Chứng khoán APEC), VIX hiện là cổ phiếu chứng khoán tăng giá mạnh nhất từ đầu năm.
Trên đồ thị kỹ thuật, cổ phiếu VIX đang hướng lên vùng kháng cự 18.000 - 19.000 đồng (giá cũ hồi cuối tháng 3/2022). Dòng tiền tạo lập vẫn đang đóng vài trò quan trọng trong nhịp tăng dài gần 4 tháng qua của cổ phiếu chứng khoán này. Tuy nhiên, tín hiệu quá mua cũng là điều các nhà đầu tư cần đặc biệt chú ý.
Thời gian qua, nhịp tăng giá mạnh của cổ phiếu VIX và một số mã trong hệ sinh thái Tập đoàn Gelex đã giúp không ít doanh nghiệp (có danh mục đầu tư chứng khoán) thắng lớn. Nổi bật nhất là trường hợp của CTCP MHC  - một doanh nghiệp vận tải.
Quý 2, MHC chỉ đạt doanh thu thuần vỏn vẹn gần 5 tỷ và lỗ gộp 450 triệu đồng (6 tháng đầu năm lỗ gộp 1,4 tỷ). Đáng nói, nhờ doanh thu tài chính tăng mạnh nên lãi sau thuế đạt 46,8 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 59,4 tỷ).
Công ty cho biết, diễn biến này chủ yếu phát sinh từ hoạt động đầu tư tài chính, kinh doanh chứng khoán và hoàn nhập dự phòng các khoản đầu tư chứng khoán và đầu tư vào công ty con.
2 quý đầu năm, MHC ghi nhận 10,3 tỷ đồng doanh thu và 10 tỷ lợi nhuận sau thuế, cải thiện so với các mức 9,6 tỷ đồng và âm 59 tỷ của cùng kỳ năm trước.
Tại thời điểm 30/6, danh mục chứng khoán kinh doanh của MHC có giá gốc đầu tư 512,5 tỷ đồng (tăng gấp đôi đầu năm), giá hợp lý gần 570 tỷ. Đáng chú ý, công ty đã tăng gấp 4,4 lần giá trị gốc đầu tư vào cổ phiếu EIB; giá trị gốc đầu tư cổ phiếu GEX (Tập đoàn Gelex) cũng tăng 2,7 lần lên mức 82,46 tỷ. Danh mục đầu tư cổ phiếu (Chứng khoán VIX) thậm chí tăng gấp 70 lần đầu năm, đạt 62 tỷ đồng.
Hiện cả 3 cổ phiếu này đều đang tạm lãi hàng chục tỷ đồng.
Kể từ năm 2016, MHC đã là một tay chơi lớn trên thị trường chứng khoán với danh mục cổ phiếu liên tục duy trì ở mức 400 - 600 tỷ đồng.
Trên thị trường, cổ phiếu VIX - GEX tiếp tục tăng giá mạnh, khoản đầu tư của MHC tiếp tục sinh lời lớn. Theo đó, cổ phiếu MHC cũng bay cao với 5 phiên trần liên tiếp tính đến sáng 3/8, thị giá tăng 40% lên mức 7.750 đồng/cp. Tính từ đầu năm, mã đã tăng 86%.