Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế chỉ ra nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc 11 loại ung thư
Những người mắc ung thư cũng có khả năng sống lâu hơn khi họ duy trì cân nặng bình thường.
Thừa cân , béo phì  là các tình trạng liên quan đến việc tích tụ quá nhiều mỡ trong cơ thể, nhưng mức độ khác nhau.
Thừa cân là tình trạng khi trọng lượng cơ thể vượt quá mức bình thường, nhưng chưa đạt đến mức độ của béo phì. Thừa cân thường được xác định khi chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 25 đến dưới 30. Béo phì là một tình trạng nghiêm trọng hơn, khi cơ thể tích tụ mỡ vượt mức cần thiết và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Béo phì được xác định khi chỉ số BMI từ 30 trở lên.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc một người trở nên béo phì, bao gồm yếu tố di truyền, nội tiết tố, môi trường, cảm xúc và văn hóa. Những người thừa cân có nguy cơ cao mắc phải nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, như tiểu đường loại 2, huyết áp cao và các bệnh tim mạch. Ngoài ra, thừa cân cũng làm tăng nguy cơ mắc phải nhiều loại ung thư .
Theo CTTĐT ngành Y tế TP. HCM, các nghiên cứu cho thấy, những người mắc ung thư và có cân nặng bình thường có khả năng sống lâu hơn so với những người thừa cân hoặc béo phì. Một nghiên cứu khác trên hơn 1.000 người đã chỉ ra rằng thừa cân hoặc béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc ít nhất 11 loại ung thư. Nghiên cứu này được thực hiện bởi nhóm làm việc của Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế, một bộ phận thuộc Tổ chức Y tế thế giới.
Những người mắc ung thư có khả năng sống lâu hơn khi họ duy trì cân nặng bình thường. Ngược lại, thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ mắc ít nhất 11 loại ung thư, bao gồm ung thư vú, đại trực tràng, tử cung, thận, đầu và cổ, thực quản, tụy, nội mạc tử cung, tuyến tiền liệt, túi mật và tuyến giáp. Trong số này, có 2 loại ung thư thuộc nhóm thường gặp nhất (ung thư vú và đại trực tràng) và 3 loại ung thư khó điều trị nhất (ung thư thực quản, tụy và túi mật).
Tỉ lệ ung thư do béo phì có thể lên đến 40% đối với một số loại, đặc biệt là ung thư thực quản và nội mạc tử cung. Thừa cân và béo phì là nguyên nhân góp phần vào 1 trong 5 trường hợp tử vong liên quan đến ung thư.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng chỉ số BMI (chiều cao và cân nặng) có liên quan trực tiếp đến nguy cơ mắc ung thư. Mỗi khi chỉ số BMI tăng thêm 5 đơn vị, nguy cơ mắc ung thư sẽ tăng từ 9% (với ung thư trực tràng ở nam giới) đến 56% (với ung thư đường dẫn mật). Đặc biệt, đối với phụ nữ, việc tích tụ mỡ ở vùng eo sẽ làm tăng 21% nguy cơ mắc ung thư tử cung. Ngoài ra, chỉ số BMI cao cũng có mối liên quan chặt chẽ với nguy cơ mắc ung thư túi mật, dạ dày và buồng trứng.
Để kiểm soát cân nặng hiệu quả, điều quan trọng nhất là duy trì lối sống lành mạnh và tích cực, kết hợp với chế độ ăn uống cân bằng, đảm bảo sự tương xứng giữa năng lượng hấp thụ và năng lượng tiêu hao trong ngày. Ngoài ra, bạn nên thực hiện các khuyến nghị sau: Ăn nhiều rau, trái cây, thịt nạc và ngũ cốc nguyên hạt, đồng thời hạn chế thực phẩm và đồ uống có nhiều đường. Bỏ thuốc lá và hạn chế uống rượu bia. Tăng cường vận động bằng cách đi bộ, chơi thể thao, lao động chân tay,... Nên tập thể dục ít nhất 3 lần mỗi tuần, mỗi lần ít nhất 30 phút.
Mỗi người cần chủ động trong việc kiểm soát cân nặng và sức khỏe của bản thân. Nếu nhận thấy sự tăng cân bất thường hoặc có dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe, bạn nên đi thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và tìm ra phương pháp điều trị phù hợp.
Việt Nam có loại hạt nhỏ xíu nhưng lại là 'thuốc bổ' ngừa ung thư, hạ đường huyết tự nhiên 
5 loại ung thư nguy hiểm liên quan đến thói quen uống rượu của nhiều người