Cơn sốt bạc thỏi 2025, fanpage giả đội lốt thương hiệu lớn, giăng bẫy nhà đầu tư
Đi cùng làn sóng đầu tư bạc là sự xuất hiện của các chiêu trò lừa đảo mạo danh các công ty uy tín, khiến không ít người suýt mất tiền oan.
Trong bối cảnh giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn liên tục lập đỉnh, bạc – kim loại quý hiếm nhưng giá trị thấp hơn vàng – đang trở thành lựa chọn mới của nhiều người có nhu cầu tích lũy tài sản. Theo ghi nhận, giá bạc thỏi loại Phú Quý 999 hiện đang giao dịch ở mức 1,286 triệu đồng/lượng (mua vào) và 1,326 triệu đồng/lượng (bán ra). So với đầu năm 2025, bạc đã tăng giá 17%, tương đương khoảng 200.000 đồng/lượng – một mức tăng đáng kể nếu xét trong bối cảnh lạm phát và bất ổn tài chính.
Năm 2024, bạc từng gây “sốt” khi tăng giá đến 90%, nhưng kênh đầu tư này vẫn chưa được nhiều người biết đến. Nay, với kỳ vọng tiếp tục tăng giá như vàng, nhiều người đã đổ xô tìm mua bạc thỏi, bạc mỹ nghệ để tích trữ.
Trên các diễn đàn tài chính và mạng xã hội, các câu hỏi như “mua bạc ở đâu uy tín?”, “có nên đầu tư bạc lúc này không?” xuất hiện dày đặc. Tuy nhiên, sự thiếu kinh nghiệm và thông tin rõ ràng khiến không ít người trở thành mục tiêu của những kẻ lừa đảo.
![]() |
Cẩn thận với những fanpage giả mạo các doanh nghiệp vàng bạc lớn. Ảnh chụp màn hình |
>> UBS khuyến nghị mua bạc ở mức hiện tại
Ngày 24/4, chị Nguyễn Thanh (quận Gò Vấp, TP.HCM) phản ánh việc suýt trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo khi đặt mua thỏi bạc kỷ niệm “50 năm thống nhất đất nước” qua một fanpage có tên “Tập đoàn Phú Quý”. Fanpage này quảng bá sản phẩm bạc thỏi với thông điệp khan hiếm: “Chỉ còn 48 thỏi, nhanh tay đặt để không hết hàng”.
Tin tưởng vào thương hiệu, chị Thanh đặt mua 3 thỏi bạc và được yêu cầu chuyển khoản đặt cọc. Tuy nhiên, điều bất thường là số tài khoản nhận tiền lại đứng tên cá nhân. Nghi ngờ, chị liên hệ số điện thoại từ trang quảng cáo nhưng không liên lạc được. Chỉ đến khi gọi trực tiếp đến tổng đài chính thức của công ty, chị mới phát hiện fanpage trên là giả mạo.
“Thật may tôi kiểm tra lại trước khi chuyển tiền. Nếu không thì mất trắng. Họ làm fanpage giống hệt chính thức, thậm chí lượt theo dõi còn cao hơn”, chị Thanh chia sẻ.
Trước thực trạng lừa đảo gia tăng, Tập đoàn Phú Quý đã phát đi thông báo cảnh báo người tiêu dùng. Theo đó, nhiều fanpage giả mạo với giao diện, nội dung, hình ảnh và tên gọi giống hệt trang chính thức của doanh nghiệp đang được sử dụng để dụ khách hàng chuyển khoản vào tài khoản cá nhân nhằm chiếm đoạt tiền.
Đáng lo ngại, một số đối tượng còn tinh vi đến mức chỉnh sửa các bài viết cảnh báo từ chính công ty để cài cắm thông tin lừa đảo. Số tài khoản ngân hàng được chèn vào các bài viết được ngụy trang kỹ càng, khiến người mua dễ lầm tưởng đó là tài khoản giao dịch chính thức.
Không chỉ riêng Phú Quý, các doanh nghiệp vàng bạc lớn như SJC, DOJI, Mi Hồng cũng đồng loạt cảnh báo khách hàng về hiện tượng fanpage giả mạo hoạt động mạnh mẽ trong thời điểm thị trường kim loại quý đang “nóng”.
>> Giá bạc thế giới quay đầu giảm, thị trường trong nước giữ đà ổn định