Công đoàn Pouyuen nơi có 90.000 công nhân: Sốc khi nghe rút bảo hiểm một lần không quá 50%
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi hiện nay có hai phương án về rút BHXH một lần.
Tại hội nghị tiếp xúc của Đoàn đại biểu quốc hội TP HCM với cử tri là công nhân lao động, chủ doanh nghiệp vào chiều 18/10, ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân) cho biết: Lao động sẽ bị sốc nếu chọn phương án rút bảo hiểm xã hội một lần còn 50% vì cho rằng quyền lợi bị giảm.
Pouyuen là doanh nghiệp đông lao động nhất thành phố có thời điểm lên đến hơn 90.000 người. Đây cũng nơi xảy ra cuộc ngừng việc năm 2015 để phản ứng Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Sau đó, Quốc hội ra Nghị quyết 93 tiếp tục cho phép lao động rút bảo hiểm sau một năm nghỉ việc.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi hiện có hai phương án về rút BHXH một lần:
Phương án một , chỉ nhóm tham gia trước khi luật có hiệu lực (dự kiến trước 1/7/2025) mới được rút. Nhóm đóng sau thời điểm này không được rút, trừ người đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài định cư; mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
Phương án hai , không phân biệt thời gian đóng, tất cả lao động đóng dưới 20 năm, sau một năm chưa tham gia hệ thống đều được rút nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất. Số năm còn lại được bảo lưu hưởng chế độ.
Ông Nghiệp cho rằng rất nhiều công nhân mang sẵn tâm lý rút bảo hiểm, nên khi nhắc đến phương án cho rút nhưng không quá 50% sẽ lo lắng.
Vị lãnh đạo này cho biết, công nhân không quan tâm đến đoạn sau mà sẽ ồ ạt nghỉ việc để rút. Điều này còn rủi ro hơn cho hệ thống bảo hiểm và doanh nghiệp thiếu người sản xuất. Đối với Pouyuen, doanh nghiệp chọn phương án một.
Theo ông Nghiệp trước mắt phương án này giúp ổn định được tình hình. Về lâu dài chính quyền cần thông tin về các chính sách dành cho người hưởng hưu trí hấp dẫn hơn để họ ở lại hệ thống. Đặc biệt, những người tham gia từ 1/7/2025 sẽ không được rút nữa. Như vậy, Việt Nam sẽ dần tiến giới giải quyết dứt điểm tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần.
Ngoài ra, ông cho biết ông ủng hộ người lao động về già có lương hưu. Người có lương hưu sống sẽ tự tin hơn, bảo hiểm y tế lo suốt đời, khi mất có mai táng phí, tiền tuất nên "không phiền lụy đến ai". Người rút một lần tiêu hết, giờ uống ly cà phê phải xin con cái.
Chủ tịch Liên đoàn lao động TP HCM Trần Thị Diệu Thúy cũng cho rằng, chế độ hưu trí tuân theo nguyên tắc đóng – hưởng nên "đóng thấp thì không thể hưởng cao". Vì vậy dự thảo đưa phương án mức đóng thấp nhất chỉ bằng một nửa lương tối thiểu vùng (vùng I như TP HCM là 4,68 triệu đồng) là chưa hợp lý.
"Người lao động muốn nhận lương hưu ít nhất bằng tối thiểu vùng nhưng mức đóng thấp nhất chỉ 2,34 triệu đồng thì mong muốn đi vào ngõ cụt", bà Thúy nói. Bên cạnh nâng mức đóng tối thiểu, bà Thúy đề nghị công đoàn tại doanh nghiệp phải đấu tranh để mức đóng bảo hiểm tại doanh nghiệp đúng bằng thu nhập thực lãnh để cải thiện các chế độ cho lao động.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó đoàn Đại biểu quốc hội TP HCM, cho rằng tình trạng tách lương, đưa vào các khoản phụ cấp để né đóng bảo hiểm đang tồn tại rất nhiều.
Bà Tuyết đề nghị khi tham gia xây dựng thang bảng lương, công đoàn phải đưa được các khoản thu nhập có tính chất cố định vào lương để đóng bảo hiểm. Cùng với đó, tổ chức công đoàn phải giải thích cho công nhân hiểu. Ngoài ra, bảo hiểm xã hội cần liên kết với cơ quan thuế, ngân hàng để truy được lương thực lãnh của lao động, chấm dứt tình trạng một doanh nghiệp có 2-3 bảng lương.
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 1/7/2025.
Công nhân công ty PouYuen được thưởng Tết lên đến 67 triệu đồng 
Một doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm hơn 1.200 công nhân