Cống ngăn mặn hơn 500 tỷ đồng lớn thứ hai miền Tây, sớm phát huy hiệu quả ngay từ khi chưa hoàn thành
Công trình này đã sớm phát huy hiệu quả ngay từ đầu mùa khô 2023 - 2024 và tiết kiệm kinh phí đắp đập hàng chục tỷ đồng/năm.
Ngày 6/11, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức lễ bàn giao và đưa vào sử dụng dự án cống âu Nguyễn Tấn Thành  - cống ngăn mặn  lớn thứ hai ở miền Tây, chỉ sau cống Cái Lớn - Cái Bé  tại tỉnh Kiên Giang.
Theo thông tin từ Báo Lao Động, ông Kiều Văn Công, Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 - cho biết, cống âu Nguyễn Tấn Thành được khởi công ngày 11/11/2022 với tổng mức đầu tư 518 tỷ đồng. Cống này đã phát huy hiệu quả từ đầu mùa khô 2023 - 2024, giúp tỉnh Tiền Giang tiết kiệm hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ giảm chi phí đắp đập.
"Cống âu Nguyễn Tấn Thành xây dựng cách cầu Kênh Xáng về phía sông Tiền khoảng 420m. Tổng mức đầu tư của dự án thành phần 1: Công trình kiểm soát nguồn nước kênh Nguyễn Tấn Thành thuộc dự án công trình kiểm soát nguồn nước kênh Nguyễn Tấn Thành và bờ hữu sông Vàm Cỏ Tây với tổng mức đầu tư hơn 518 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng, thiết bị hơn 407 tỷ đồng. Dự án được khởi công ngày 11/11/2022. Thời gian thi công, xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng chính thức là 24 tháng (tháng 11/2024)", ông Công nói.
Công trình được thiết kế với kết cấu cống hở, trụ đỡ bằng bê tông cốt thép. Chiều rộng thông nước là 52m, gồm một khoang chính rộng 40m và một khoang âu thuyền rộng 12m. Ngoài ra, dự án còn có các công trình phụ trợ như nhà quản lý, đường quản lý vận hành, hệ thống quan trắc, giám sát tự động…
Cuối năm 2023, việc lắp đặt cửa cống đã hoàn thành. Kết hợp với hệ thống cống khác dọc sông Tiền, cống âu Nguyễn Tấn Thành sẽ giúp bảo vệ khoảng 130.000ha đất sản xuất nông nghiệp tại địa phương, đồng thời đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho hơn 1 triệu người dân ở hai tỉnh Tiền Giang và Long An.
Công trình không chỉ cung cấp nguồn nước thô cho các nhà máy cấp nước sinh hoạt mà còn hỗ trợ các hoạt động kinh tế khác trong vùng dự án. Đây là bước quan trọng để thực hiện các dự án liên kết vùng, chuyển nước cho những khu vực khan hiếm nước ngọt, đảm bảo an ninh nguồn nước cho Tiền Giang và Long An.
>> Đóng cống thủy lợi lớn nhất miền Tây để chống triều cường
Bất ngờ với rừng ngập mặn giữa lòng khu kinh tế Dung Quất 
Trồng 50.000 cây rừng ngập mặn phân tán tại Bình Định