Xã hội

Công trình giữa lòng Thủ đô từng huy động 300 công nhân xây dựng liên tục 10 năm, là 'nhân chứng' chứng kiến cuộc mít tinh 200.000 người lớn bậc nhất lịch sử

Vĩ Hạ - Thùy Dung 29/08/2024 15:09

Nơi đây gắn liền với cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Thủ đô, mở đầu một chương mới huy hoàng của lịch sử Hà Nội văn hiến và anh hùng.

cong-trinh-mang-400-x-100-px-680-x-122-px-(1).jpg

Nhà hát Lớn nằm ngay tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, khu vực trung tâm thành phố Hà Nội. Xung quanh công trình này là các điểm du lịch Hà Nội nổi tiếng như hồ Hoàn Kiếm, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Tràng Tiền Plaza…

Đây là một địa điểm mang đậm những dấu ấn lịch sử, mở đầu một chương mới huy hoàng của lịch sử Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến và anh hùng.

nha-hat-lon-5.png
Bia kỷ niệm trước Nhà hát Lớn. Ảnh: PV

Ngày 17/8/1945, báo chí đăng tin phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Buổi chiều hôm đó, tại Quảng trường Nhà hát Lớn (nay là Quảng trường Cách mạng Tháng Tám) diễn ra cuộc mít tinh do Tổng hội viên chức tổ chức để ủng hộ chính quyền bù nhìn. Nhân cơ hội này, các tổ chức cứu quốc đã bí mật huy động hàng vạn quần chúng Hà Nội, Hà Đông tham dự.

Cuộc mít tinh vừa bắt đầu thì các cán bộ Việt Minh lên chiếm diễn đàn trước sự ngơ ngác bất lực của lực lượng cảnh sát, lính bảo an của chính quyền bù nhìn. Nhiều lá cờ đỏ sao vàng được giương cao.

mit-tinh-tong-khoi-nghia.jpg
Mít tinh tổng khởi nghĩa ở Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội 19/8/1945. Ảnh: Tư liệu

Sáng sớm 19/8, cả Hà Nội rực rỡ cờ đỏ sao vàng. Tại Quảng trường Nhà hát Lớn, từ 11 giờ, cuộc mít tinh khổng lồ của gần 200.000 người được tiến hành rất nghiêm trang, bắt đầu bằng phút chào cờ và cử hành bản nhạc Tiến quân ca. Đại biểu Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội đọc lời hiệu triệu của Việt Minh.

Sau đó, cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình vũ trang. Một khối đến Phủ Khâm sai Bắc Kỳ (nay là nhà khách Chính phủ ở 12 phố Ngô Quyền). Lực lượng tự vệ trèo qua hàng rào sắt xông vào, quần chúng như nước vỡ bờ, hô vang các khẩu hiệu cách mạng, trấn áp kẻ thù. Lính bảo an giữ phủ Khâm sai đã đầu hàng lực lượng cách mạng. Cờ quẻ li của chính quyền bù nhìn bị hạ xuống, cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cờ ở Phủ Khâm sai.

Việc chiếm Tòa nhà Thị chính, Sở cảnh sát, Kho bạc, Sở bưu điện... được tiến hành thuận lợi. Một khối quần chúng khác qua Hàng Bài, chiếm trại Bảo an binh, 1.000 lính giữ trại đã đầu hàng cách mạng.

mit-tinh-19.8.jpg
Hàng vạn người dân yêu nước Việt Nam tập hợp dưới lá cờ đỏ sao vàng. Ảnh: Tư liệu

Sau này, Nhà hát Lớn là nơi chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của dân tộc. Tại đây, Quốc hội đầu tiên của nước ta họp và thông qua Hiến pháp năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam cũng như danh sách Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu), Toàn quốc Kháng chiến Ủy viên Hội (Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch)...

Hơn 113 năm qua, Nhà hát Lớn Hà Nội là nơi đã chứng kiến những giây phút hòa bình đầu tiên trên đất nước của chúng ta và là một nhân chứng cách mạng của thủ đô Hà Nội.

cong-trinh-mang-400-x-100-px-680-x-122-px-1-.jpg

Nhà hát Lớn được người Pháp khởi công xây dựng năm 1901, lấy cảm hứng từ Nhà hát Opéra Garnier ở Paris nhưng mang tầm vóc nhỏ hơn và sử dụng các vật liệu phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Để xây dựng nhà hát, hàng trăm người đã phải san lấp khu đất vốn là vùng đầm lầy của hai làng thuộc tổng Phúc Lâm, huyện Thọ Xương (tên gọi cũ của khu vực Tràng Tiền).

Theo nhiều tư liệu lịch sử, hàng ngày, khoảng 300 công nhân ra sức làm việc. Họ đã đóng 35.000 cọc tre với khối bê tông dày gần 1m để gia cố phần móng nhà hát. 600 tấn gang thép, 12.000m3 vật liệu đã được sử dụng xây dựng công trình. Việc xây dựng kéo dài tới 10 năm. Khi khánh thành, Nhà hát Lớn tọa lạc bề thế với những bậc thang trải dài phía trước, cửa trông ra Quảng trường Cách mạng Tháng Tám ngày nay.

nha-hat-lon-1.jpg
nha-hat-lon-2.jpg

Công trình có nét kiến trúc của Opéra de Paris ở nước Pháp, xây dựng vào cuối thế kỉ XVII nhưng hoàn toàn không phải là phiên bản thu nhỏ. Nhà hát lớn Hà Nội có vẻ đẹp riêng của phong cách kiến trúc đầu thế kỷ XX ở xứ nhiệt đới. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Công trình có diện tích khoảng 2.600m2, đỉnh vòm cao so với mặt đường là 34m, sức chứa ban đầu 870 chỗ ngồi. Nội thất nhà hát thời đó được thiết kế với ghế ngồi bọc da, nhung. Khán phòng chia ba tầng với nhiều phòng nhỏ dành cho khách có vé riêng, cầu thang rộng, 18 buồng cho diễn viên hóa trang, phòng tập, phòng họp và cả thư viện. Đặc biệt, nhà hát còn có một phòng gương lộng lẫy ở tầng hai. Thời đó, kinh phí xây dựng nhà hát được duyệt tới 2 triệu Franc Pháp.

Mặc dù là một công trình kiến trúc mang tính chiết trung, được pha trộn nhiều phong cách, nhưng Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn mang đậm dáng vẻ tân cổ điển Pháp, đặc biệt ở kết cấu kiến trúc, kiểu mái hai mảng lợp ngói đá đen cùng các họa tiết trang trí bên trong. Ra đời muộn hơn các nhà hát ở TP. HCM và Hải Phòng nhưng Nhà hát Lớn Hà Nội có kiến trúc hoàn chỉnh nhất và trở thành hình ảnh quen thuộc và đặc trưng của TP. Hà Nội.

Khi mới hoàn thành, địa điểm là nơi biểu diễn các loại hình nghệ thuật cổ điển như opera, nhạc thính phòng, kịch nói... Khán giả tới đây chủ yếu là lớp quan lại thượng lưu người Pháp và người Việt giàu có.

cong-trinh-mang-400-x-100-px-680-x-122-px-.png

Sau một thời gian dài sử dụng, nhà hát bị xuống cấp nhưng đã lấy lại được vẻ đẹp xưa cũ sau đợt trùng tu từ năm 1995-1997, chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh của Cộng đồng Pháp ngữ.

Ngày nay, Nhà hát Lớn là một trong những địa điểm biểu diễn quan trọng bậc nhất ở Hà Nội, được những người làm nghệ thuật coi như một "ngôi đền" dành cho nghệ thuật cổ điển. Ngoài các đoàn nghệ thuật Việt Nam, Nhà hát Lớn còn đón hàng trăm đoàn nghệ thuật quốc tế tới biểu diễn.

nha-hat-lon(1).jpg
Đến hiện tại, đây vẫn là một trong những nhà hát đứng đầu tại Việt Nam về quy mô và vẻ đẹp kiến trúc. Ảnh: PV

Cũng như nhiều công trình kiến trúc và cả những loại hình văn hóa phi vật thể khác, Nhà hát Lớn Hà Nội trở thành minh chứng lịch sử cho sự phát triển văn hóa - xã hội của Hà Nội và Việt Nam thời kỳ Pháp thuộc, là một di tích của một giai đoạn phát triển kiến trúc ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Đến nay, đây vẫn là một thành phần hiếm có của đô thị và kiến trúc Thủ đô, góp phần tạo lập bộ mặt đất nước ta ngày nay trong lĩnh vực văn hoá, tạo ra những tiền đề cần thiết cho sự mở rộng giao lưu văn hoá, trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội hiện nay, đặc biệt trong công cuộc chấn hưng văn hoá dân tộc.

Năm 2011, Nhà hát Lớn Hà Nội cùng Quảng trường Cách mạng Tháng Tám đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di tích Lịch sử và Kiến trúc Quốc gia. Cùng năm đó, Nhà hát Lớn Hà Nội kỷ niệm 100 năm ngày ra đời.

>> Cận cảnh đài phun nước hơn 120 năm tuổi tại vườn hoa đẹp bậc nhất Hà Nội đang được tu bổ, sẽ hoàn thành vào tháng 11 tới đây

Hồ chứa nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam dài 230km: Được ví như ‘Hạ Long trên núi’, cấp nước cho công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á thế kỷ 20

Thành phố giàu nhất Việt Nam sắp đổi mới diện mạo với 61 công trình chào mừng 50 năm Ngày thống nhất đất nước

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/cong-trinh-giua-long-thu-do-tung-huy-dong-300-cong-nhan-xay-dung-lien-tuc-10-nam-la-nhan-chung-chung-kien-cuoc-mit-tinh-200000-nguoi-lon-bac-nhat-lich-su-d131678.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Công trình giữa lòng Thủ đô từng huy động 300 công nhân xây dựng liên tục 10 năm, là 'nhân chứng' chứng kiến cuộc mít tinh 200.000 người lớn bậc nhất lịch sử
    POWERED BY ONECMS & INTECH