Trong quá trình chờ triển khai các dự án, VEFAC mang 5.346 tỷ đồng cho các doanh nghiệp khác vay, thu về hàng trăm tỷ đồng tiền lãi mỗi quý.
Phiên giao dịch sáng ngày 2/5, cổ phiếu VEF  của CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC) tăng trần (14,96%) lên 242.000 đồng/cp, đưa vốn hóa của doanh nghiệp lên hơn 38.000 tỷ đồng. Cổ phiếu này đã tăng gấp đôi chỉ trong 4 tháng đầu năm 2024.
Đây là cổ phiếu thuộc họ nhà Vingroup bên cạnh 3 cổ phiếu khác trên sàn chứng khoán là VHM , VIC , VRE , tuy nhiên thanh khoản thấp nên được ít nhà đầu tư chú ý đến.
Cổ phiếu VEF đã tăng gấp đôi sau 4 tháng đầu năm 2024 (Cập nhật phiên sáng ngày 2/5) |
Được biết, VEFAC tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước. Sau cổ phần hóa, VEFAC trở thành công ty con của Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC), Vingroup sở hữu 83,32% vốn, tiếp đến là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sở hữu 10%, còn lại là các cổ đông khác.
Trong quý I/2024, VEFAC ghi nhận doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh là 228,4 triệu đồng, tuy nhiên lợi nhuận từ hoạt động tài chính là 124,9 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí, lãi sau thuế của VEF là 91,6 tỷ đồng. Tại phần tài sản, doanh nghiệp cũng thuyết minh đang cho vay ngắn hạn và dài hạn số tiền 5.346 tỷ đồng với lãi suất 11 - 12%/năm.
Doanh thu thấp, VEF vẫn lãi hàng trăm tỷ đồng mỗi quý nhờ cho vay |
Tại thời điểm ngày 31/3, quy mô tài sản của VEF là 10.852,2 tỷ đồng. Ngoài khoản tiền dùng cho vay để thu lãi, các tài sản liên quan đến việc phát triển dự án bất động sản là 3.077,3 tỷ đồng gồm hàng tồn kho và chi phí xây dựng cơ bản dở dang.
Hiện tại, danh mục bất động sản của VEF đang nắm 1 loạt dự án tại các khu đất vàng như dự án Khu đô thị mới Đông Anh có tổng vốn đầu tư 34.879 tỷ đồng. Dự án này nằm cùng với dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia (tổng vốn hơn 7.336 tỷ đồng) trên khu đất rộng hơn 300ha tại các xã Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm thuộc huyện Đông Anh, TP. Hà Nội. Vị trí đắc địa khi cách trung tâm Hà Nội 15km. Phía Đông Nam giáp tuyến đường quy hoạch nối cầu Tứ Liên đi vành đai 3, phía Tây Bắc giáp tuyến đường quy hoạch theo trục không gian Hồ Tây - Cổ Loa và phía Đông Bắc giáp tuyến đường Trường Sa nối từ Cầu Đông Trù đến đường Võ Nguyên Giáp.
Lô đất vàng rộng 6,8ha tại đường Giảng Võ, quận Ba Đình, TP. Hà Nội của VEF |
Tiếp đến là dự án Tổ hợp Trung tâm Thương mại Dịch vụ và Nhà ở tại 148 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội. Đây là vị trí vàng trong trung tâm Thủ đô, diện tích 6,8ha, quy mô 10 toà chung cư cao 50 tầng. Hiện dự án đang triển khai điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.
Dự án cuối là Khu chức năng đô thị Nam Đại lộ Thăng Long tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội có diện tích gần 75ha gồm các hạng mục căn hộ chung cư, biệt thự liền kề, văn phòng,...Khu đất cũng nằm ở vị trí vàng chỗ nút giao đại lộ với đường Lê Quang Đạo, cách Vinhomes Green Bay khoảng 1 km và Vinhomes Smart City khoảng 3 km. Tiếp giáp với Đại lộ Thăng Long, tuyến đường mới nối Sa Đôi - đường gom Đại lộ Thăng Long, sông Nhuệ, làng Trung Văn. Dự án này đã được TP. Hà Nội phê duyệt quy hoạch 1/500 và đang chờ chấp thuận chủ trương đầu tư.
>> Vingroup (VIC) lãi bao nhiêu từ thương vụ bán vốn tại chuỗi TTTM Vincom trong quý I/2024?