Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cảnh giác trước các dịch vụ đổi tiền trên mạng xã hội dịp cận Tết
Dịch vụ đổi tiền trên mạng xã hội dịp cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ đang ngày càng phổ biến, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo Cục An toàn thông tin  (Bộ TT&TT), người dân cần thận trọng trước các dịch vụ yêu cầu chuyển tiền trước khi nhận hàng, đặc biệt vào thời điểm cận Tết Nguyên đán. Nếu phát hiện hành vi tàng trữ, lưu hành tiền giả hoặc các hình thức lừa đảo , trục lợi, người dân nên báo ngay cho cơ quan công an để kịp thời xử lý theo pháp luật.
Chiêu trò quảng cáo dịch vụ đổi tiền mới trên mạng xã hội
Trong dịp cuối năm, khi tìm kiếm từ khóa như “đổi tiền lì xì Tết” trên các nền tảng mạng xã hội, bạn sẽ thấy xuất hiện hàng loạt bài đăng và hội nhóm quảng cáo đổi tiền. Những lời mời hấp dẫn như "tiền thật", "tiền mới", "giá rẻ nhất thị trường",… tràn ngập, thu hút không ít người quan tâm.
Thậm chí, một số tài khoản còn nhận đổi buôn tiền mới, tiền lẻ hoặc tuyển cộng tác viên tham gia đăng bài để mở rộng hoạt động. Ngoài đổi tiền mới, các dịch vụ này còn cung cấp các loại tiền độc, tiền hiếm, ngoại tệ lạ với giá cao gấp nhiều lần mệnh giá thực.
Tại Hà Nội, phí đổi tiền lẻ cho mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng, hoặc 50.000 đồng dao động từ 5% - 6%. Đối với các loại tiền đã qua sử dụng, hay còn gọi là “tiền lướt”, phí đổi giảm xuống còn khoảng 2% - 3%.
Bên cạnh những lời chào mời hấp dẫn, dịch vụ đổi tiền trên mạng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Đã có không ít trường hợp người dân chuyển khoản để đổi tiền nhưng khi nhận lại thì số tiền không đủ như cam kết, thậm chí là tiền giả.
Nghiêm trọng hơn, một số nạn nhân sau khi chuyển tiền đặt cọc đã bị chủ tài khoản chặn liên lạc và biến mất hoàn toàn. Do lo ngại bị truy cứu trách nhiệm về hành vi mua bán tiền trái phép, nhiều người đã không dám trình báo cơ quan chức năng, chấp nhận mất tiền.
Theo quy định pháp luật, việc thu, đổi tiền mới, tiền lẻ để hưởng chênh lệch là hành vi vi phạm. Các tổ chức và cá nhân tham gia vào hoạt động này có thể bị xử lý nghiêm khắc.
Cục An toàn thông tin khuyến nghị người dân chỉ nên đổi tiền qua các ngân hàng, công ty tài chính hoặc đơn vị kinh doanh có giấy phép hoạt động hợp pháp. Nếu cần thực hiện giao dịch trên mạng xã hội, cần kiểm tra kỹ các đánh giá từ khách hàng trước đó và so sánh mức phí đổi tiền với thị trường. Tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các đơn vị đưa ra tỷ giá chênh lệch quá cao hoặc yêu cầu chuyển tiền trước.
Ngoài ra, khi phát hiện bất kỳ hành vi tàng trữ tiền giả hoặc có dấu hiệu lừa đảo, hãy báo ngay cho cơ quan công an để xử lý.
Cảnh báo về lừa đảo mạo danh ngân hàng
Không chỉ dịch vụ đổi tiền, tình trạng lừa đảo mạo danh nhân viên ngân hàng cũng gia tăng. Một số đối tượng sử dụng chiêu trò tinh vi để chiếm đoạt tài sản của người dân, đặc biệt là những người ít kinh nghiệm tài chính.
Thủ đoạn phổ biến là giả danh nhân viên ngân hàng, liên hệ với khách hàng để thông báo về các gói vay ưu đãi hoặc yêu cầu cập nhật thông tin tín dụng. Đối tượng yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân như số căn cước, số tài khoản hoặc thậm chí là chuyển tiền vào tài khoản lạ để “hoàn tất thủ tục”. Sau khi đạt được mục đích, chúng lập tức chặn liên lạc và chiếm đoạt tiền.
Các ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin tài khoản, mật khẩu, hay mã OTP qua điện thoại hoặc tin nhắn. Mọi thông báo liên quan đến tài khoản sẽ được gửi qua các kênh chính thức như email hoặc ứng dụng ngân hàng.
Nếu nhận được cuộc gọi hoặc tin nhắn yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, hãy từ chối ngay và liên hệ trực tiếp với ngân hàng để xác minh. Tránh truy cập vào các đường link lạ hoặc tải ứng dụng không rõ nguồn gốc.
Trong trường hợp nghi ngờ bị lừa đảo, người dân nên báo ngay cho cơ quan công an để được hỗ trợ.
>> Bộ Công an gửi thư khen Công an Lai Châu phá ổ nhóm lừa đảo tại Campuchia