Cung điện tráng lệ nhà Trần bị chôn vùi dưới lòng đất, hơn 700 năm sau bất ngờ được phát lộ nhờ vài dòng cổ sử

23-02-2024 09:00|Quỳnh Châu

Những lần khai quật sau đó cùng với các tư liệu lịch sử đã khẳng định đây là một hành cung lớn và quan trọng thời Trần tại vùng đất Long Hưng xưa.

Rất nhiều năm qua, khi nhắc đến di tích nhà Trần, mọi người thường nói về Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), hành cung Thiên Trường (hay còn gọi là Tức Mặc ở Nam Định), đất phát tích của nhà Trần ở Yên Sinh (Đông Triều, Quảng Ninh).

Tuy nhiên, chỉ từ hai dòng ngắn ngủi trong "Đại Việt sử ký toàn thư", các nhà khảo cổ đã tìm ra hành cung Lỗ Giang (Thái Bình), giúp làm sáng tỏ bí ẩn về sự tồn tại của một cung điện ở ngoại vi Kinh thành Thăng Long.

Bản vẽ phục dựng giả định cung điện trong Hành cung Lỗ Giang. Ảnh: Viện Nghiên cứu Kinh thành

(TyGiaMoi.com) - Bản vẽ phục dựng giả định cung điện trong hành cung Lỗ Giang. Ảnh: Viện Nghiên cứu Kinh thành

Lỗ Giang - một hành cung lớn, nằm ở vị trí quan trọng trong việc kết nối giữa phủ Long Hưng (Thái Bình) với Tức Mặc và Thăng Long. Từ manh mối ít ỏi trong "Đại Việt sử ký toàn thư", nhóm nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Kinh thành tiến hành điều tra dân gian, khảo cổ và thư tịch liên quan đến từ Lỗ Giang.

Từ cổ này dùng để chỉ về một ngã ba sông nơi có vòng xoáy lớn (hay còn gọi là Thâm), nhóm tìm ra xã Thâm Động (nay là xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Nơi đây là hữu ngạn ngã ba sông Hồng và sông Trà Lý, ở chính giữa vùng đất Long Hưng và Tức Mặc, cách khu lăng tẩm nhà Trần ở Tam Đường khoảng 6km.

Khảo sát thực địa, họ tìm ra vết tích, đồ dùng vật dụng thời nhà Trần, đặc biệt là vật liệu kiến trúc xuất lộ khi người dân đào đất đắp đê. Công tác khai quật khảo cổ học được tiến hành tại xã Hồng Minh.

Các dấu tích kiến trúc hố khai quật hành cung Lỗ Giang. Ảnh: Dân Việt

(TyGiaMoi.com) - Các dấu tích kiến trúc hố khai quật hành cung Lỗ Giang. Ảnh: Dân Việt

Tháng 11-12/2014, trên diện tích khai quật 300m2, một phần nền móng công trình kiến trúc gỗ lần đầu tiên phát lộ. "Chúng tôi tìm được 4 hàng cột và xác định được chính xác chiều rộng lòng nhà là 9,9m. Các dấu vết bó nền, móng trụ và sân gạch ở đây thuộc công trình kiến trúc rất độc đáo, có mặt bằng lớn, nằm theo chiều Đông - Tây, mặt quay về phía Nam, hai bên có sân gạch được xây dựng rất quy chuẩn", PGS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành nói.

Hệ thống móng trụ kép - loại móng trụ hình chữ nhật, lớn gấp đôi móng trụ hình vuông thông thường cũng được tìm thấy. Móng trụ lớn tương ứng với 2 chân tảng đặt lên trên và cột gỗ cũng lớn. Theo PGS Bùi Minh Trí, điều này chứng minh kiến trúc Lỗ Giang có quy mô lớn, nhiều tầng. Đây là lần đầu tiên loại hình kiến trúc móng trụ kép được tìm thấy bên ngoài Hoàng thành Thăng Long và lại có quy mô lớn hơn nhiều (chiều rộng gấp đôi lòng nhà tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long).

Các vật liệu như ngói mũi sen lợp thân mái và diềm mái, ngói gắn trên là các hình lá đề trang trí hình rồng, mảnh vỡ của đầu rồng… Khi so sánh với Hoàng thành Thăng Long, những vật liệu này hoàn toàn giống vật liệu lợp trên hoàng cung. "Điều đó minh chứng kiến trúc ở Thái Bình là kiến trúc hoàng gia và đã là hoàng gia, nó buộc phải là cung điện", PGS Bùi Minh Trí khẳng định.

Di vật được khai quật tại hành cung Lỗ Giang mang đậm dấu ấn văn hóa thời Trần. Ảnh: Ngữ Thiên/Hà Nội Mới

(TyGiaMoi.com) - Di vật được khai quật tại hành cung Lỗ Giang mang đậm dấu ấn văn hóa thời Trần. Ảnh: Ngữ Thiên/Hà Nội Mới

Từ năm 2014-2017, tại hành cung Lỗ Giang, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã tiến hành ba cuộc khai quật khảo cổ học, phát hiện được nhiều loại hình di tích, di vật thời Trần, từng bước chứng minh về lịch sử xây dựng hành cung Lỗ Giang của nhà Trần.

Kết quả khai quật kết hợp với tư liệu lịch sử, các nhà khảo cổ bước đầu suy đoán khu vực đền Trần (Thái Lăng) xã Hồng Minh hiện nay chính là hành cung Lỗ Giang dưới thời vua Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông, là hành cung Kiến Xương vào thời vua Trần Hiến Tông.

Hành cung Lỗ Giang cũng giúp các nhà khoa học đánh giá trình độ xây dựng, quy mô, hình thái kiến trúc của thời Trần. Hình ảnh hoàng cung Thăng Long với phủ Long Hưng, phủ Thiên Trường, kết nối hình tam giác, cho phép hiểu hơn diện mạo kiến trúc hành cung dưới thời Trần. Mối quan hệ của triều đình với vùng miền, đặc biệt nơi nhà vua đặt các hành cung cũng trở nên sống động.

>> Truyền thuyết về Thăng Long tứ trấn - 4 ngôi đền trấn giữ, bảo vệ tứ phương huyết mạch của Hà Nội (P1)

Cung điện triệu đô trong Đại nội Huế, là nơi vua Bảo Đại họp bàn thoái vị

Ông vua Việt ở trong cung điện bằng tre, bị sét đánh liệt nửa người suýt chết và cái kết bi thảm cuối đời

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/cung-dien-trang-le-nha-tran-bi-chon-vui-duoi-long-dat-hon-700-nam-sau-bat-ngo-duoc-phat-lo-nho-vai-dong-co-su-d116673.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Cung điện tráng lệ nhà Trần bị chôn vùi dưới lòng đất, hơn 700 năm sau bất ngờ được phát lộ nhờ vài dòng cổ sử
    POWERED BY ONECMS & INTECH