Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc bắt đầu từ thương mại hiện nay đang lan sang các lĩnh vực khác và ngày càng diễn ra gay gắt, nhất là trên lĩnh vực công nghệ.
Mới đây, Trung Quốc công bố việc nộp khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc Mỹ áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip, gây ảnh hưởng lớn tới ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc.
Đáp trả, Mỹ đưa 36 công ty Trung Quốc vào "Danh sách thực thể" bị hạn chế nghiêm ngặt tiếp cận bất kỳ công nghệ nào của Mỹ. Những động thái này làm nóng lên cuộc cạnh tranh trong ngành công nghiệp bán dẫn giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.
“Chiến trường” chất bán dẫn và mối đe dọa cho Mỹ
Chất bán dẫn là “yếu tố sống còn với kinh tế, an ninh quốc gia và khả năng cạnh tranh toàn cầu của Mỹ”. Còn đối với TQ, chất bán dẫn là “chìa khóa để nước này phát triển các thiết bị điện tử có tính cạnh tranh ngày càng cao và chiếm thị phần toàn cầu”.
Hiện nay, Trung Quốc có tốc độ phát triển khoa học công nghệ nhanh chóng và đang thách thức vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực này của Mỹ.
Trung Quốc phát triển khoa học công nghệ nhanh chóng là do nước này nghiêm túc, quyết liệt trong việc triển khai chiến lược và đầu tư mạnh vào lĩnh vực này, thể hiện qua các kế hoạch Made in China 2025, China Standards 2035. Một minh chứng nữa là chi phí nghiên cứu khoa học của Trung Quốc ngày càng tăng, gần như ngang ngửa với số tiền mà Mỹ bỏ ra trong vấn đề này.
Mục tiêu chính của kế hoạch Made in China 2025 là giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, tăng cường sự phát triển công nghệ của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu, nỗ lực nâng ngành sản xuất Trung Quốc trong chuỗi giá trị. Trung Quốc hướng tới năm 2025 sẽ tự chủ lĩnh vực công nghệ tới 70% và vào năm 2049 thì sẽ dẫn đầu thế giới về lĩnh vực này.
Việc Trung Quốc phát triển nhanh trong công nghiệp bán dẫn đồng nghĩa với việc cải thiện năng lực quốc phòng của nước này, do đó có khả năng hiện thực hóa mục tiêu là trở thành quân đội mạnh nhất thế giới, thách thức vị thế và an ninh của Mỹ. Thêm nữa, hầu hết các hệ thống phòng thủ lớn của Mỹ đều dựa trên chất bán dẫn và nếu có thiệt hại về ngành này thì an ninh của Mỹ sẽ bị đe dọa.
Leo thang cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung Quốc
Ngày 12/12/2022, Bộ Thương mại Trung Quốc nộp đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) phản đối các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip của Mỹ. Đây là sự đáp trả với những lệnh cấm được Washinton ban bố hồi tháng 10 nhằm hạn chế khả năng Trung Quốc có được công nghệ chip cao cấp, thiết bị và thậm chí cả nhân lực trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn của Mỹ.
Phía Trung Quốc cho rằng Mỹ đã lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để cản trở thương mại quốc tế thông thường đối với chip và các sản phẩm khác, điều này sẽ làm biến dạng chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu và làm gián đoạn thương mại quốc tế. Trong vài năm qua, Mỹ đã nhiều lần lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia để cản trở hoạt động bình thường của thương mại quốc tế, vấp phải sự phản đối rộng rãi của cộng đồng quốc tế.
Mỹ có 60 ngày để tham gia tham vấn giữa các bên. Nếu hòa giải không thành công, phía Trung Quốc có thể yêu cầu thành lập Ban Hội thẩm WTO và tiếp tục các bước tiếp theo. Có thể mất vài năm để vụ việc được giải quyết thông qua quy trình giải quyết tranh chấp của WTO.
Ngày 15/12, Bộ Thương mại Mỹ đưa 36 công ty Trung Quốc bao gồm các nhà sản xuất hàng đầu chip máy tính tiên tiến vào "Danh sách thực thể" bị hạn chế nghiêm ngặt trong việc tiếp cận bất kỳ công nghệ nào của Mỹ.
Theo quy định, bất kỳ doanh nghiệp Mỹ nào cung cấp nguyên vật liệu hoặc dịch vụ cho các thực thể này phải được cấp phép trước khi vận chuyển hàng hóa. Như vậy, các công ty có tên trong "Danh sách thực thể" nói trên sẽ bị chặn mua chip hay bất cứ công nghệ nào từ các nhà cung cấp của nước này, trừ khi họ có giấy phép xuất khẩu đặc biệt từ Bộ Thương mại Mỹ.
Dù nhiều nỗ lực nhưng công nghệ chất bán dẫn của Trung Quốc vẫn còn nhiều lạc hậu so với Mỹ và đồng minh. SMIC và HuaHong cũng chiếm thị phần khá cao trong ngành nhưng vẫn kém xa so với đối thủ từ Đài Loan - Trung Quốc TSMC và Samsung Hàn Quốc. Trung Quốc sản xuất được chip 28nm. Nhiều đồn đoán SMIC tiến bộ nhất Trung Quốc nghiên cứu thành công chip 7nm trong khi đối thủ đã sản xuất được chip tiên tiến 3nm.
Theo tính toán Trung Quốc chỉ mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu chip cho các ngành sản xuất. Nước này phấn đấu đảm bảo cung cấp 70% nhu cầu từ năm 2025. Hành trình nâng tính tự chủ chip theo nhiều chuyên gia là vấn đề rất khó, bởi nó không chỉ là yếu tố tiền. Khó có quốc gia nào đảm bảo được quá trình khép kín sản xuất chip từ đầu đến cuối.
Kịch bản nào cho hàng Việt xuất Mỹ khi ông Trump tái xuất? 
Cổ đông CII có cơ hội trúng 500 triệu đồng khi dự họp ĐHCĐ ngày 15/1/2025