Cuộc ‘đại chiến’ giữa Tổng thống Trump và chủ tịch Fed
Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sa thải Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell nếu ông không cắt giảm lãi suất để giảm bớt tác động từ chính sách tăng thuế quan.
Tuy nhiên, chưa biết Tổng thống Trump có thể tìm ra cách nào để sa thải ông Powell trước khi nhiệm kỳ của chủ tịch Fed kết thúc vào năm tới hay không.
Cuộc chiến thương mại của ông Trump gây lo ngại tình hình lạm phát sẽ trở nên tồi tệ hơn. Căng thẳng gia tăng sau khi ông Powell cảnh báo chính sách thuế của chính quyền đương nhiệm đẩy Fed vào tình thế chưa từng thấy trong lịch sử hiện đại, và điều này có thể để lại những hậu quả kinh tế lâu dài.
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Reuters) |
Ngay sau đó, ông Trump nói rằng có thể buộc lãnh đạo Fed phải ra đi. Phát biểu với các phóng viên tại Nhà Trắng ngày 17/4, Tổng thống Trump cho biết ông Powell sẽ "ra đi nếu tôi yêu cầu".
"Tôi không hài lòng với ông ấy. Tôi đã cho ông ấy biết điều đó và nếu tôi muốn ông ấy ra đi, ông ấy sẽ ra đi rất nhanh, tin tôi đi", ông Trump nói.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump nhắc lại yêu cầu ông Powell hạ lãi suất, nói rằng "việc sa thải... không thể diễn ra đủ nhanh".
Cuộc chiến thương mại gây ra cuộc đối đầu căng thẳng giữa Nhà Trắng và Fed, có thể dẫn đến tình huống bế tắc pháp lý chưa từng có hoặc tước đoạt quyền tự chủ lâu đời của tổ chức này trong việc ấn định lãi suất ở mức mà họ cho là phù hợp.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump thúc giục ông Powell hạ lãi suất nhưng không bao giờ thực hiện lời đe dọa sa thải người mà ông đã bổ nhiệm để lãnh đạo ngân hàng trung ương từ năm 2018. Một phần là do Fed cuối cùng đã đưa lãi suất theo hướng ông Trump muốn, dù không đủ nhanh hoặc đủ nhiều theo ý của tổng thống.
Lần này, ông Powell tuyên bố sẽ không rời khỏi vị trí của mình vì không tin luật pháp cho phép sa thải ông vì mâu thuẫn chính sách.
Trong nhiệm kỳ lần này, ông Trump bổ nhiệm những người trung thành và ủng hộ chính sách của ông vào các vị trí quan trọng. Nhà Trắng cũng đang thể hiện sẵn sàng thách thức các tiền lệ pháp lý và thể chế, bao gồm tính độc lập của Fed.
Bộ Tư pháp Mỹ đang tìm cách lật ngược học thuyết pháp lý được duy trì suốt 90 năm qua để bảo vệ những người được bổ nhiệm không bị sa thải vì mâu thuẫn chính sách.
Báo Wall Street Journal dẫn các nguồn tin cho biết, ông Trump đã bàn bạc việc sa thải ông Powell trong nhiều tháng qua, nhưng vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng, và ông đã nêu vấn đề này trong cuộc gặp riêng với cựu Chủ tịch Fed Kevin Warsh tại Mar-a-Lago gần đây.
Tổng thống Mỹ không có thẩm quyền trực tiếp để sa thải các chủ tịch Fed, nhưng ông Trump có thể khởi động một quy trình dài để chứng minh ông có lý do để loại bỏ ông Powell.
Nguy cơ khủng hoảng thẩm quyền
Nhận ra chính sách thuế quan có thể gây ra những nỗi đau kinh tế trong ngắn hạn, ông Trump muốn Fed ra tay để giải cứu ngay lập tức. Tuy nhiên, ông Powell cho biết tạm thời Fed không làm gì cả, cho đến khi có số liệu rõ ràng về tác động của thuế quan lên nền kinh tế.
"Ông Trump có vẻ muốn những thẩm quyền quan trọng trên thế giới này phải theo ý muốn của mình: Toà án, các trường đại học ưu tú, các quốc gia khác. Tôi thấy Fed cuối cùng sẽ không thoát khỏi điều này", Jon Faust, người từng là cố vấn cấp cao của ông Powell, nhận xét.
Ông Faust cho rằng nguy cơ xảy ra khủng hoảng về thẩm quyền của Fed "là rất cao".
Theo các chuyên gia, nếu ông Trump thực hiện lời đe dọa cách chức ông Powell, chủ tịch Fed có thể sẽ vướng vào những vụ kiện tụng. Nếu không, ông Trump vẫn có cơ hội để lại dấu ấn của mình bằng cách chỉ định người kế nhiệm ông Powell vào năm tới.
Thiết lập lãi suất cơ bản là một trong những công cụ chính mà Fed sử dụng để thực hiện nhiệm vụ kép: Quản lý lạm phát và thất nghiệp.
Lạm phát tiêu dùng của Mỹ trong tháng 3 vừa qua giảm xuống còn 2,4%, tiến gần mục tiêu dài hạn 2% mà Fed đặt ra.