Sống

Cuộc đời "cậu bé Việt ở đợ" hóa “ông vua ngành nail” trên đất Mỹ, kiếm nửa tỷ đô/năm từ nghìn tiệm nail phủ khắp xứ cờ hoa

Nhật Linh 31/08/2023 07:30

Để sở hữu chuỗi làm đẹp trải dài khắp nước Mỹ, ông Charlie Tôn Quý đã phải tự mình vượt qua những gian nan từ tuổi thiếu niên.

“Trước khi đến Mỹ, tôi cứ ngỡ đó là thiên đường, thế nhưng sự thực lại không phải thế”, ông Quý chia sẻ với VnExpress.

Cuộc đời

Tuổi thơ giông bão và hành trình mưu sinh trên đất Mỹ

Charlie Tôn Quý (tên Việt Nam là Tôn Thất Khương Quý) sinh năm 1970, người gốc Quy Nhơn, Bình Định. Tôn Quý là con trai thứ 2 trong một gia đình có 4 anh em trai. Năm 1986, sau khi học xong lớp 8 tại Việt Nam, Tôn Quý một mình đến bang Louisiana (Mỹ) khi mới 15 tuổi. Ông đến Mỹ sống cùng anh trai và họ hàng.

Việc một mình sang nước ngoài đã khiến tuổi thơ của Tôn Quý trở nên “dữ dội” và tạo nên ngã rẽ cho con đường thành công sau này. “Trước khi đến Mỹ, tôi cứ ngỡ đó là thiên đường, thế nhưng sự thực lại không phải thế”, Charlie Tôn Quý chia sẻ về cuộc sống của mình khi mới đặt chân tới nước Mỹ.

Sau khi sang Mỹ, ông Quý tiếp tục chương trình học trung học. Chỉ có hai bàn tay trắng nên cuộc sống của Charlie Tôn Quý vô cùng vất vả, phải làm thuê đủ thứ việc để sống qua ngày, từ nhặt đầu tôm thuê ở chợ, lau chùi ở tiệm Billiard, ngủ dưới bàn billiard, ở nhờ nhà bạn, sau này đi quét dọn nhà cửa và dạy học cho con chủ nhà... Trong những ngày tháng đó, Tôn Quý chỉ biết rằng nước Mỹ không phải một miền đất hứa, không có chăn ấm đệm êm, không có nhiều đồ ăn, nhiều đồ chơi như mình từng mơ.

Mặc dù vậy chàng trai trẻ khi đó vẫn quyết tâm không bao giờ bỏ học, ông luôn tự nhủ phải học hết chương trình phổ thông, tìm đến các trường công, nơi có thể tham gia mà không phải đóng tiền học phí. “Dù phải đi kiếm ăn nhưng tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ học. Đến giờ tôi vẫn biết ơn mẹ vì bà đã rèn cho mình tính ham học từ bé. Tôi không tính toán xa xôi gì mà chỉ biết cắm đầu vào học thôi”, ông Quý kể lại.

Đến năm 18 tuổi, chàng trai trẻ háo hức đăng ký chuyên ngành không gian vũ trụ ở Đại học Louisiana, nhưng vì trường không có khoa này nên đành phải chuyển sang học hóa. Ông Quý không thể ngờ rằng sự lựa chọn đó đã mở ra cho mình cơ hội trở thành một ông chủ lớn nhiều năm về sau.

Tốt nghiệp đại học năm 1995, nhưng ông Quý không xin được việc làm do đúng thời điểm nền kinh tế Mỹ suy thoái. Điều an ủi lớn nhất với ông khi đó là có người bạn đời bên cạnh, họ đã kết hôn khi ông còn theo đuổi nghiệp học hành. Vợ ông, Lê Phượng là một người đồng hương và là chủ một tiệm nail.

Sẵn có chuyên môn ngành hóa, ông Quý quyết định đi theo còn đường của vợ, mở một công ty chuyên cung ứng các vật liệu cho các tiệm làm móng mang tên Alfalfa Nail Supply.

Mối lương duyên với Walmart

Ý tưởng kinh doanh trong lĩnh vực nail đến vào năm 1997 khi Tôn Quý đang đi mua sắm trong một siêu thị Walmart. Ông thấy rằng trong siêu thị này có 2 salon tóc mà chưa hề có salon nail. Dựa trên quan sát đó, Tôn Quý đã nảy ra ý tưởng về salon nail có tên Regal Nail.

Cùng lúc đó, Charlie Tôn Quý gặp Bo Huynh – một người gốc Việt khác cũng đang có ý định mở một trung tâm thương mại và nhận ra nó quá phức tạp. Cả hai nhận thấy họ cần một đối tác để cùng thực hiện dự định này.

Tôn Quý lúc đó đã phát triển được hệ thống giải quyết việc mua lại địa điểm, thiết kế, nội thất và lắp đặt mọi thứ cần thiết để điều hành một chuỗi nhượng quyền. Ông cũng đảm nhận toàn bộ trách nhiệm quản lý, phát triển, tăng trưởng, lên kế hoạch và kiểm soát chất lượng.

Sau đó, Tôn Quý bắt đầu hẹn gặp mặt các lãnh đạo Walmart để thuyết phục họ cho thuê vị trí để mở cửa hàng Regal Nails. Lần đầu tiên, Walmart đã thẳng thừng từ chối đề xuất của ông vì không nghĩ mô hình này có thể thành công.

Vẫn không nản, nhận thấy một cửa hàng ngừng hoạt động, ông tiếp tục gõ cửa Walmart, kiên trì gặp gỡ các lãnh đạo Walmart trong 2 năm liên tiếp cho tới khi họ đồng ý để ông mở cửa hàng thử nghiệm đầu tiên tại Shreveport.. Charlie Tôn Quý trở thành người Việt đầu tiên thương thảo thành công với ông lớn Walmart. Từ 2 cửa tiệm ban đầu, số lượng cửa tiệm Regal Nails tăng trưởng với tốc độ ấn tượng, ước tính khoảng 100 cửa hàng mỗi năm.

Cuộc đời

Ngoài Walmart, Tôn Quý bắt đầu bán nhượng quyền cho những người bạn đồng hương Việt Nam trên đất Mỹ và trong vòng 10 năm, tổng số cửa hàng nhượng quyền của ông đã lên tới con số gần 1.200 tiệm trải dài trên khắp đất Mỹ. Từ một người dân nhập cư với hai bàn tay trắng, Charlie đã xây dựng Regal Nails trở thành một đế chế nail lớn nhất tại Mỹ. Cho đến nay, hầu hết các cửa hiệu của ông đều có mặt trong siêu thị lớn hàng đầu nước Mỹ Wal-Mart (WMT). Tại California, người Việt làm chủ đến 80% các tiệm nails và tỷ lệ ở toàn quốc là 44%.

Charlie Tôn Quý nói rằng, trong nhiều thập kỷ, Regal Nails vẫn luôn đạt mức doanh thu cao ngất ngưởng. Vì là công ty tư nhân nên Regal Nails không thông báo số liệu tài chính. Nhưng nếu tính riêng thì mỗi tiệm nail của ông có doanh thu trung bình khoảng 34.000 USD/tháng (theo tạp chí Nails). Theo đó, Regal Nails của ông Quý sẽ có doanh thu hàng năm khoảng 450 triệu USD.

Bí quyết thành công của “ông vua ngành nail”

Trước khi có được một thị phần lớn trong ngành nail, ông Quý từng phải "nếm mùi thất bại", khi định đầu tư vào phát triển chuỗi cà phê. "Từ đó tôi quyết định không đi lòng vòng nữa, mà chuyên tâm vào ngành nail và làm đẹp", ông Quý nói. Quyết tâm của ông Quý còn được củng cố sau một khoá học tìm hiểu về đặc điểm của từng người tuỳ thuộc vào thứ tự trong gia đình. Là con thứ hai trong số có 4 anh em trai, ông Quý biết rằng mình có thiên hướng về marketing.

Cuộc đời
Một cửa hàng trong số các tiệm nail của Charlie Tôn Quý trên đất Mỹ

Theo ông Quý, có 3 lý do giúp Regal Nails thành công. Thứ nhất là uy tín từ việc được gia nhập Walmart. Cho đến nay, phần lớn các cửa tiệm của Công ty đều nằm trong hệ thống Walmart. Tiêu chí Walmart đưa ra rất đơn giản: sạch sẽ, dịch vụ chuyên nghiệp với mức giá tốt cho khách hàng. Regal Nails có đội ngũ thanh tra kiểm tra cửa tiệm mỗi 3 tháng một lần và phạt tiệm nào vi phạm các điều khoản về quản lý vệ sinh.

Thứ hai là giá cả đầu tư và địa điểm luôn hấp dẫn. Điều này có được từ việc hợp tác với Walmart, các tiệm của Regail Nails thừa hưởng một lượng khách khổng lồ mà không tốn chi phí tiếp thị, ước tính khoảng 50.000 lượt khách mỗi tuần. Bên cạnh đó, giá thuê mặt bằng của Walmart cũng rẻ hơn, nhất là ở các thị trường có nhu cầu cao như New York, California và Florida. Theo website Franchise, giá mặt bằng một tiệm Regail Nails ở Walmart vào khoảng 2.800 USD. Con số này có thể gấp 5 lần ở các khu trung tâm mua sắm.

Thứ ba, hệ thống quản lý ổn định đi kèm nguồn hàng dồi dào, chất lượng từ Alfalfa Nails Supply giúp việc thiết lập cửa tiệm được hoàn thành trong thời gian ngắn nhất. Trung bình một cửa tiệm mới thành lập có chi phí khoảng 95.000 USD. Các yếu tố này đã thu hút được sự chú ý của rất nhiều người Việt nhập cư trong hơn 20 năm qua.

Thân thế "đại phú hào” mở ngân hàng đầu tiên của người Việt: Người Nam Kỳ nhiều đất nhất Đông Dương, đám tang 7 ngày 7 đêm nghìn người viếng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cuoc-doi-cau-be-viet-o-do-hoa-ong-vua-nganh-nail-tren-dat-my-kiem-nua-ty-donam-tu-nghin-tiem-nail-phu-khap-xu-co-hoa-198725.html
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Cuộc đời "cậu bé Việt ở đợ" hóa “ông vua ngành nail” trên đất Mỹ, kiếm nửa tỷ đô/năm từ nghìn tiệm nail phủ khắp xứ cờ hoa
    POWERED BY ONECMS & INTECH