Cứu trợ ở Myanmar gặp khó vì nhiều sân bay tê liệt và xung đột vũ trang kéo dài
Các nguồn lực hỗ trợ quốc tế đổ về các khu vực bị ảnh hưởng ở Myanmar, tuy nhiên xung đột vũ trang kéo dài, địa hình hiểm trở và hạ tầng bị tàn phá đang khiến công tác cứu hộ tê liệt.
Các tổ chức cứu trợ quốc tế và các lực lượng cứu hộ đang gặp khó khăn lớn trong việc tiếp cận và hỗ trợ các khu vực bị ảnh hưởng  sau trận động đất mạnh 7,7 độ Richter xảy ra hôm 28/3 tại Myanmar. Thảm họa đã khiến hai sân bay lớn bị hư hại, nhiều tuyến đường không thể lưu thông trong bối cảnh quốc gia này vẫn chìm trong nội chiến kéo dài suốt bốn năm qua.
Theo đánh giá sơ bộ từ quân đội Myanmar, ít nhất 1.644 người đã thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương. Tuy nhiên, một mạng lưới các tổ chức xã hội dân sự quốc tế cho biết số người chết có thể lên tới khoảng 2.500.

Trận động đất đã tàn phá nhiều khu vực tại miền Trung Myanmar, gây sập nhà cửa, cầu đường và làm gián đoạn hệ thống liên lạc. Đây được coi là một trong những thảm họa tự nhiên nghiêm trọng nhất tại nước này trong những năm gần đây.
Hoạt động cứu trợ gặp cản trở nghiêm trọng do hệ thống giao thông bị ảnh hưởng nặng nề. Sân bay Naypyitaw  – thủ đô hành chính của Myanmar – đã bị tê liệt hoàn toàn sau khi tháp kiểm soát không lưu bị sập trong trận động đất, khiến chín nhân viên thiệt mạng. Sân bay Mandalay, nằm gần tâm chấn, cũng ghi nhận thiệt hại cấu trúc, chưa rõ thời điểm khôi phục hoạt động. Trong khi đó, sân bay quốc tế Yangon ở miền Nam vẫn hoạt động, trở thành điểm trung chuyển chính cho hàng hóa cứu trợ.
“Các đội phản ứng đang sử dụng đường bộ để tiếp cận các khu vực chịu ảnh hưởng", Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA) cho biết. “Tuy nhiên, nhiều tuyến đường đã bị phá hủy hoặc bị sạt lở, gây khó khăn trong việc vận chuyển hàng cứu trợ. Chúng tôi đang huy động tất cả các nguồn lực để đảm bảo viện trợ cứu sinh được chuyển đến kịp thời.”
Liên Hợp Quốc đã nhanh chóng phân bổ khoản hỗ trợ ban đầu trị giá 5 triệu USD để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp tại các vùng bị ảnh hưởng.
Myanmar hiện đang bị chia cắt bởi cuộc nội chiến kéo dài từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2021. Hội đồng Quản lý Nhà nước – chính quyền quân sự hiện tại – chỉ kiểm soát chưa đến một nửa lãnh thổ quốc gia, trong khi phần lớn các vùng biên giới nằm dưới quyền kiểm soát của các lực lượng đối lập và các nhóm vũ trang sắc tộc.
Trận động đất xảy ra trong bối cảnh hệ thống cơ sở hạ tầng vốn đã yếu kém do xung đột, càng khiến nỗ lực cứu trợ trở nên khó khăn hơn. Nhiều cây cầu bắc qua sông bị sập, các tuyến đường chiến lược vốn đã nguy hiểm do giao tranh nay trở nên bất khả thi.
Trong nỗ lực hỗ trợ nhân đạo, Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (NUG)  – lực lượng đối lập chính – đã tuyên bố ngừng bắn trong vòng hai tuần kể từ thứ Bảy, đồng thời cam kết hợp tác với các tổ chức cứu trợ quốc tế nhằm tạo điều kiện tiếp cận các khu vực bị ảnh hưởng.
Liên Hợp Quốc ước tính, trước khi thảm họa xảy ra, đã có khoảng 3 triệu người phải rời bỏ nơi ở do xung đột và 20 triệu người trên toàn quốc cần được hỗ trợ nhân đạo. Trận động đất càng khiến tình hình trở nên tồi tệ, đặc biệt là tại các vùng nông thôn hẻo lánh – nơi người dân bị cô lập hoàn toàn và khó tiếp cận thông tin, thực phẩm và y tế.
“Việc tiếp cận Mandalay cực kỳ khó khăn", bà Deepala Mahla, Giám đốc nhân đạo của CARE International, cho biết. “Tình trạng thiếu nhiên liệu và mất điện diện rộng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng liên lạc – yếu tố thiết yếu để quản lý chuỗi cung ứng cứu trợ hiệu quả".
Không chỉ cơ sở hạ tầng và hệ thống hậu cần bị tê liệt, nguồn nhân lực cứu trợ tại chỗ cũng đang cạn kiệt. Nhiều nhân viên nhân đạo địa phương đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thảm họa và hiện không đủ khả năng tiếp tục tham gia cứu hộ, khiến nhu cầu bổ sung lực lượng trở nên cấp thiết.
“Chúng tôi đang làm việc để xin cấp thị thực cho các nhóm cứu trợ quốc tế", bà Michelle Cicic, Giám đốc khu vực của Cơ quan Viện trợ Nhân đạo và Bảo vệ Dân sự của Liên minh châu Âu (ECHO), chia sẻ. “Đây vẫn là khu vực xung đột, nên điều kiện tiên quyết là phải đảm bảo tiếp cận an toàn và không bị cản trở.”
Theo bà Cicic, Ủy ban châu Âu đã phê duyệt khoản hỗ trợ ban đầu trị giá 2,5 triệu euro (tương đương 2,7 triệu USD) cho hoạt động cứu trợ khẩn cấp tại Myanmar. Bà cho biết thêm, một khoản tài trợ bổ sung đang được xem xét nhằm đáp ứng tình hình diễn biến phức tạp.

Trong cuối tuần, một số quốc gia trong khu vực đã nhanh chóng điều động lực lượng và vật tư hỗ trợ. Ấn Độ, Trung Quốc và Singapore đã gửi tàu, máy bay và xe tải chở hàng cứu trợ, bao gồm thực phẩm, nước sạch và thiết bị y tế. Thái Lan – quốc gia cũng chịu ảnh hưởng từ trận động đất – đã cử 55 binh sĩ đến hỗ trợ Myanmar trong công tác tìm kiếm và cứu hộ.
Tại Thái Lan, thủ đô Bangkok bị rung chuyển mạnh do nền đất yếu vốn là đầm lầy trước đây. Chính quyền thành phố xác nhận, đến tối Chủ Nhật, đã có 18 thương vong, chủ yếu do một tòa nhà văn phòng 30 tầng đang xây dở bị sập hoàn toàn.
Quay trở lại Myanmar, một số tổ chức nhân đạo đang chuyển hướng sang sử dụng các tuyến đường bộ thay thế để vận chuyển hàng tiếp tế, đặc biệt tại các bang Mandalay, Bago, Naypyitaw và Shan – những nơi người dân địa phương có hiểu biết rõ về địa hình và lộ trình.
Tuy nhiên, việc mất tháp kiểm soát tại sân bay Naypyitaw – vốn là căn cứ quan trọng của chính quyền quân sự – cùng với những hạn chế về tài chính, nhiên liệu và nhân lực, có thể khiến cơ sở này phải mất nhiều tháng mới có thể hoạt động trở lại. Thêm vào đó, vào ngày thứ Bảy, đã có báo cáo cảnh báo nguy cơ lở đất tại khu vực sân bay, càng làm gia tăng rủi ro trong quá trình phục hồi.
“Việc điều động máy bay cứu trợ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Miễn là đường băng còn an toàn, các chuyến bay vẫn có thể hạ cánh bằng quy trình điều phối thủ công hoặc sử dụng tháp kiểm soát lưu động,” ông Richard Horsey, cố vấn cấp cao về Myanmar của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (International Crisis Group), cho biết.
Hiện tại, các tổ chức cứu trợ đang tận dụng các kho dự trữ sẵn có từ các chương trình nhân đạo đang diễn ra tại Myanmar để hỗ trợ nạn nhân động đất. Tuy nhiên, theo bà Michelle Cicic từ ECHO, lượng vật tư này là không đủ.
“Xét đến quy mô và phạm vi của thảm họa, chúng tôi cần bổ sung thêm thiết bị cho các đội tìm kiếm, vật tư y tế, lều trại và các nhu yếu phẩm phi thực phẩm khác,” bà Cicic nhấn mạnh.
Trong khi đó, CARE International đang xem xét phương án cung cấp hỗ trợ tài chính trực tiếp cho người dân bị ảnh hưởng. “Hỗ trợ tiền mặt là giải pháp nhanh hơn, tiết kiệm hơn và có thể giải quyết một phần các thách thức trong chuỗi cung ứng,” bà Deepala Mahla, Giám đốc nhân đạo của CARE, nhận định. “Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thị trường địa phương cũng đang chịu tác động lớn từ trận động đất".
Tham khảo Nikkei Asia, South China Morning Post
Tình cảnh tang thương ở nơi gần tâm chấn thảm họa động đất Myanmar 
Thêm dư chấn mới, động đất Myanmar tàn phá chưa từng thấy trong hơn một thế kỷ