Ngân hàng Nhà nước cho biết đang nghiên cứu đề nghị tham gia cơ cấu lại SCB của một số nhà đầu tư, để trình Chính phủ phương án tái cơ cấu ngân hàng này theo quy định.
Theo nội dung báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư về tái cơ cấu nền kinh tế, cơ quan này cho biết trong hai năm qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đẩy mạnh việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).
Đặc biệt, NHNN đang nghiên cứu đề nghị tham gia cơ cấu lại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) của một số nhà đầu tư để sớm trình Chính phủ phương án cơ cấu lại ngân hàng này theo quy định.
Hiện có 5 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, gồm CBBank, OceanBank, GPBank, DongABank và SCB.
Theo đó, SCB bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022. Trong năm 2023, nhà băng này đã dừng hoạt động 39 chi nhánh, phòng giao dịch trên cả nước. Sang năm 2024, SCB vừa công bố tiếp tục chấm dứt hoạt động của 5 phòng giao dịch tại TP.HCM và Đà Nẵng.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã trình và được cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng còn lại gồm OceanBank, CBBank, GPBank và Dong A Bank.
>> Vietcombank công bố lợi nhuận 2023, nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém 
Cơ quan chức năng đang xem xét, chuẩn bị phê duyệt phương án cơ cấu lại các ngân hàng này theo trình tự, thủ tục quy định.
Thực tế, việc cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém bị chậm tiến độ so với kế hoạch. Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về kết quả kiểm toán tại NHNN năm 2023 cho thấy, phương án xử lý TCTD yếu kém còn chậm, kéo dài qua nhiều năm phát sinh (từ năm 2015 đến nay).
Theo Kiểm toán Nhà nước, việc kéo dài tiến độ xử lý dẫn đến nguồn lực dự kiến hỗ trợ thông qua các hình thức cho vay đặc biệt tăng do hoạt động kinh doanh của các ngân hàng này lỗ liên tục. Dự kiến, tổng quy mô khoản vay đặc biệt của 4 đơn vị (CBBank, OceanBank, GPBank và Dong A Bank) là 168.000 tỷ đồng.
>> Thống đốc NHNN: Năm 2024 sẽ xử lý ngân hàng yếu kém và các khoản nợ xấu gia tăng 
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng nêu rõ: đến thời điểm kiểm toán (tháng 8/2023), việc xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc mới ở bước được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc, đang ở giai đoạn xác định giá trị doanh nghiệp để chuyển giao bắt buộc. 1 ngân hàng mới được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhận xét, quá trình triển khai xử lý các ngân hàng yếu kém gặp nhiều khó khăn về hành lang pháp lý và cơ chế hỗ trợ.
>> Bộ Chính trị yêu cầu phải có phương án giải quyết dứt điểm ngân hàng thương mại yếu kém
Vietcombank công bố lợi nhuận 2023, nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém 
Thống đốc NHNN: Năm 2024 sẽ xử lý ngân hàng yếu kém và các khoản nợ xấu gia tăng