Đã kê biên, phong tỏa và thu giữ nhiều tài sản từ vụ án Vạn Thịnh Phát tại TP. HCM
Thời gian qua, TP. HCM đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát từ các vụ án tham nhũng và kinh tế.
Sáng nay (11/10), Ban Nội chính Thành ủy - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP. HCM đã phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn TP. HCM".
Phát biểu tại tọa đàm, ông Ngô Minh Châu - Trưởng Ban Nội chính Thành ủy - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP. HCM nhấn mạnh rằng, các vụ án tham nhũng và tiêu cực không chỉ gây thất thoát nghiêm trọng tài sản Nhà nước  mà còn ảnh hưởng đến lòng tin của người dân đối với Đảng.
Vì vậy, việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt và thất thoát trong các vụ án tham nhũng và kinh tế là một nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi quyết tâm và nỗ lực không ngừng.
Đã kê biên, phong tỏa và thu giữ nhiều tài sản từ vụ án Vạn Thịnh Phát tại TP. HCM |
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã xác định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tiêu cực là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, khó khăn, phức tạp và lâu dài.
>> Hé lộ vị trí xây dựng tòa nhà cao thứ ba Hà Nội, quy mô gần 24.000m2 
Để tăng cường hiệu quả thu hồi tài sản, Thành ủy TP. HCM đã ban hành Chỉ thị 30, nhấn mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tố tụng, cấp ủy Đảng và các đơn vị chức năng. Đây là những bước đi chiến lược, thể hiện sự quyết tâm chính trị trong công tác phòng, chống tham nhũng của thành phố.
Ông Ngô Minh Châu cũng cho biết, thời gian qua, TP. HCM đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát từ các vụ án tham nhũng và kinh tế. Thành phố đã kê biên, phong tỏa và thu giữ nhiều tài sản trong các vụ án nghiêm trọng, tiêu biểu là các vụ án tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
“Tài sản thu hồi không chỉ đóng góp vào ngân sách Nhà nước mà còn củng cố niềm tin của người dân vào công tác phòng, chống tham nhũng. Trong một số vụ án lớn, các bị can đã tự nguyện nộp lại tài sản để khắc phục hậu quả ngay trước khi xét xử, cho thấy hiệu quả của các biện pháp truy vết và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng", ông Ngô Minh Châu nhận định.
Cũng tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, luật sư và đại diện các cơ quan chức năng đã nhận định rằng, dù công tác thu hồi tài sản tham nhũng đã được triển khai quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn chưa thực sự như mong đợi.
Các quy định pháp luật còn chung chung, thiếu những biện pháp cưỡng chế cụ thể, chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý những đối tượng cố tình né tránh. Hơn nữa, sự phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, kiểm toán, tố tụng và thi hành án dân sự chưa đủ chặt chẽ, dẫn đến việc một số đối tượng tẩu tán tài sản hoặc tài sản bị hao hụt trong quá trình xét xử kéo dài.
Ông Trần Văn Bảy - Chánh Thanh tra TP. HCM đã đề xuất: “Cần có quy định về quyền thanh tra, kiểm tra, theo dõi biến động tài sản và thu nhập của những người có chức vụ, quyền hạn. Việc kiểm soát thu nhập này sẽ tạo cơ sở quan trọng cho quá trình minh bạch hóa tài sản và phòng ngừa tham nhũng, đồng thời nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản cho Nhà nước".
Theo ông Bảy, từ năm 2021 đến nửa đầu năm 2024, Thanh tra TP. HCM đã thực hiện 828 cuộc thanh tra, bao gồm 669 cuộc theo kế hoạch và 159 cuộc đột xuất. Kết quả cho thấy nhiều sai phạm tập trung vào các lĩnh vực quản lý tài chính, tài sản công, quy hoạch, đất đai, đấu thầu, đấu giá và mua sắm công.
Năm 2023, thành phố đã thu hồi hơn 20,4 tỷ đồng - đạt tỷ lệ 79% và trong 6 tháng đầu năm 2024, đã thu hồi 28 tỷ đồng - đạt tỷ lệ 100%, cùng với gần 26.700m2 đất phải xử lý - đạt tỷ lệ 91%.