Đại biểu Quốc hội: các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đang bị "tắc"
Sáng 5/11, thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2024, đại biểu Quốc hội cho rằng, ngoài những dự án lớn, dự án trọng điểm Quốc gia thì các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong cả nước đang bị "tắc".
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu khi duyệt dự án
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) cho biết, trong năm qua mặc dù đạt được nhiều kết quả về kinh tế-xã hội, đầu tư công, nhưng vẫn một số hạn chế, trong đó có việc giải ngân còn chậm.
Đại biểu chỉ rõ, qua tìm hiểu thực tế cho thấy, ngoài những dự án lớn, dự án trọng điểm Quốc gia thì các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong cả nước đang bị "tắc". Nguyên nhân do vấn đề giá nguyên vật liệu. Đối với dự án nhỏ không được cấp phép khai thác cát nên phải đi mua cát nơi khác khiến giá tăng lên; hoặc do quy định về đặt cọc đấu thầu còn có kẽ hở dẫn đến việc lợi dụng đấu giá lên rồi bỏ cọc, sau đó bán tăng giá phần nguyên vật liệu mình đang có để trục lợi.
Nguyên nhân sâu xa là do chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa tốt. Do đó, việc chuẩn bị đầu tư các dự án còn kém nên dẫn đến chậm tiến độ.
Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, sang năm 2025, ngoài việc thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2025 thì còn phải chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026-2030. Do đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần phải sớm triển khai công tác chuẩn bị kế hoạch đầu tư công cho giai đoạn tới.
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội Triệu Quang Huy (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn) thống nhất với nhiều nội dung đánh giá tồn tại, hạn chế trong triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2024 đã được nêu trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách.
Trong nhiều nội dung đánh giá về khó khăn, đại biểu đặc biệt quan tâm đến nội chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án không cao dẫn đến phải điều chỉnh, vốn chờ dự án, hoàn thiện thủ tục đầu tư... kéo dài thời gian giao vốn và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện giải ngân, cũng như hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công.
Nguyên nhân được chỉ ra chủ yếu do vai trò của người đứng đầu tại một số cơ quan Trung ương và địa phương chưa được phát huy đầy đủ; năng lực lập kế hoạch chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án còn hạn chế... Từ thực tế đó, đại biểu đề nghị nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án.
Cân nhắc đề xuất giảm 5% chi thường xuyên để xoá nhà tạm
Tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Trúc Sơn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre) cho biết, Chính phủ yêu cầu tiết kiệm 5% chi thường xuyên để tăng đầu tư phát triển. Để thực hiện được điều này, cần thực hiện ngay từ đầu năm để tạo thuận lợi cho việc bố trí vốn đầu tư công. Điều này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư trong lập kế hoạch và bố trí nguồn vốn đầu tư công.
Đại biểu Cầm Hà Chung (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ) cho biết, Chính phủ đề xuất cho phép dành 5% nguồn tiết kiệm chi thường xuyên để thực hiện chính sách xóa nhà tạm, nhà dột nát. Chủ trương này rất tốt, phù hợp. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng Chính phủ cần cân nhắc bởi đề xuất giảm 5% chi thường xuyên năm 2024 nhưng hiện giờ là tháng 10, nhiều địa phương đã cơ bản giải ngân hết.
Đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc vấn đề này, đồng thời cần có cơ chế mở hơn. Nếu địa phương nào có khả năng tiết kiệm được thì thực hiện, không thể yêu cầu đồng loạt các địa phương đều như nhau. Nếu địa phương nào đã sử dụng hết và bắt buộc tiết kiệm thì đề nghị cần xem xét.
Còn đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) cho rằng, hiện nay, bố trí chi thường xuyên còn thấp, còn nhiều khoản chưa được phân bổ, làm kìm hãm các công cụ kích thích của nền kinh tế.
Sẽ có sự đổi mới về chi thường xuyên và chi đầu tư
Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc  đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội đối với việc thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, theo các đại biểu Quốc hội phản ánh, việc phân bổ ngân sách, kế hoạch đầu tư phát triển phải được đổi mới về hình thức và cách thức, tuy nhiên, luật quy định, việc phân bổ ngân sách phải có đầy đủ các thủ tục thì mới có thể thực hiện được. Trong chi thường xuyên cũng như vậy, phải có dự toán và đơn giá định mức được duyệt; việc phân bổ chi cho khoa học công nghệ cũng phải có dự toán, định mức được phê duyệt.
Về giải pháp, sắp tới Chính phủ sẽ có sự đổi mới về chi thường xuyên và chi đầu tư. Theo đó các tỉnh sẽ phân bổ ngân sách theo quy định. Sau đó, Bộ Tài chính sẽ kiểm tra lại...
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, để giảm chi thường xuyên, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành, đơn vị giảm công tác phí, chi tiêu ở các hội nghị, hội thảo, tiếp khách. Trong năm nay, Chính phủ cũng đã trình là cả nước giảm tiết kiệm được khoảng 7.000 tỉ chi thường xuyên.
Hiện nay, Thường trực Chính phủ đang chỉ đạo tiết kiệm chi trong đầu tư công. Tiết kiệm từ định mức dự toán đến định mức thi công, tiết kiệm trong bảo quản, thi công, vận chuyển. Vấn đề này sẽ được đưa vào hồ sơ mời thầu để tổ chức đấu thầu.
Về vướng mắc trong chi đầu tư công, chi thường xuyên, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay có những bất cập như thiếu đất để san lấp, do theo quy định thì đất là khoáng sản, nên phải thực hiện theo quy trình chung đối với khoáng sản.
Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần sửa đổi quy định cho phù hợp; hoặc nếu vẫn giữ quan điểm cũ thì cần quy định cấp đất, cấp mỏ cho các nhà thầu thi công tuyến đường chỉ để xây dựng tuyến đường, cấm bán ra ngoài, đóng mỏ ngay sau khi hoàn tất công việc thi công. Chính phủ sẽ trình cấp có thẩm quyền để quyết định việc sửa đổi, bổ sung quy định này.
>> Tuần sau ra mắt công cụ AI kiểm soát mua bán trên sàn thương mại điện tử 
Điểm nóng ngân sách: Đề xuất của Đại biểu Quốc hội về tháo gỡ nút thắt giải ngân đầu tư công 
Đại biểu Quốc hội đề xuất gỡ nút thắt cho đầu tư tư nhân