Đại biểu Quốc hội: Không thể để Việt Nam là nơi trốn thuế của các nhà kinh doanh tiền số
Đại biểu đề nghị Việt Nam cần nghiên cứu, cân nhắc tính toán để có định hướng thu thuế đối với tiền số.
Sáng 28/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) đánh giá cao việc Quốc hội đưa ra xem xét, thảo luận về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) trong thời điểm kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới.
Trong đó, đại biểu Thân nhấn mạnh những vấn đề về thuế trong kinh doanh đồng tiền số. Theo đại biểu, Việt Nam cần nghiên cứu, cân nhắc tính toán để có định hướng thu thuế.
"Việt Nam đang trở thành mảnh đất rất màu mỡ cho những người kinh doanh tiền số (tiền ảo) bởi chúng ta chưa có chính sách gì để quản lý, thu thuế. Trong khi đó, các nước xung quanh Việt Nam đã có quy định về vấn đề này; không thể để Việt Nam là nơi trốn thuế của các nhà kinh doanh đồng tiền số”, ông Thân nhận định.
Trên thực tế, hiện nay kinh doanh đồng tiền số ở Việt Nam đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Nếu Việt Nam không quản lý và thu thuế thì sẽ bị thất thu thuế rất lớn.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình). Ảnh: Quốc hội |
Bên cạnh việc thu thuế tiền số, đại biểu Nguyễn Văn Thân cũng chỉ ra vấn đề trong quy định áp dụng mức thuế suất 15% đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng. Đại biểu cho rằng, quy định này chưa giải quyết được những khó khăn trong thực tiễn.
Do đó, đại biểu Thân đề nghị nên quy định việc áp thuế phù hợp, không nên quy định việc áp thuế cứng 15%
"Nếu làm được như vậy thì doanh nghiệp sẽ rất phấn khởi tham gia vào sản xuất, kinh doanh", ông Thân nói.
Về thuế trong lĩnh vực báo chí, đại biểu Thân đề nghị miễn thuế đối với đối tượng này. Hiện nay báo chí chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ chính trị, việc làm thêm rất nhỏ. Đa số các báo không có doanh thu, sẽ không nộp thuế được.
Theo báo cáo của tổ chức Chainalysis chuyên về phân tích thị trường, năm 2022, dòng tài sản số hay là tài sản mã hóa vào thị trường Việt Nam khoảng 100 tỷ USD và năm 2023 là 120 tỷ USD. Giai đoạn 2021-2022, Việt Nam luôn nằm trong top 3 trên toàn cầu về người dân sở hữu tài sản số (21% dân số Việt Nam sở hữu), chỉ sau UAE và Mỹ. |
>> Hôm nay, Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Tài chính 
Hôm nay, Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Tài chính 
Đại biểu Quốc hội: ‘Một công chức không ăn gì cả, vài trăm năm mới mua được nhà’