Đại gia buôn thép ôm nghìn tỷ nợ xấu, biến lỗ thành lãi nhằm thoát án hủy niêm yết
Khoản nợ xấu lên tới 1.289 tỷ đồng tại nhiều đối tác như Công ty TNHH Delta - Valley Bình Thuận, Novaland... khiến doanh nghiệp phải trích lập hàng trăm tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (SMC ) vừa công bố thông tin đính chính báo cáo tài chính năm 2024. Theo đó, trên báo cáo hợp nhất, giá trị dự phòng phải thu khó đòi đã được điều chỉnh giảm từ 663 tỷ đồng xuống còn 328 tỷ đồng, tương ứng giảm 51%. Nhờ thay đổi này, lợi nhuận sau thuế của công ty chuyển từ lỗ 287 tỷ đồng sang lãi hơn 48 tỷ đồng.
Ở báo cáo công ty mẹ, dự phòng phải thu khó đòi cũng được điều chỉnh giảm từ 630 tỷ đồng xuống còn 295 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế theo đó chuyển từ âm 224 tỷ đồng thành lãi 111 tỷ đồng.
![]() |
SMC chuyển từ lỗ sang lãi nhờ chỉnh giảm giá trị dự phòng phải thu khó đòi |
Trước khi đính chính, báo cáo tài chính tự lập năm 2024 của SMC ghi nhận doanh thu thuần đạt 8.924 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước. Công ty báo lỗ sau thuế gần 287 tỷ đồng, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp thua lỗ sau hai năm 2022 và 2023.
Kết quả kinh doanh tiêu cực này đã khiến cổ phiếu SMC bị đưa vào diện cảnh báo, kiểm soát và đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết nếu báo cáo kiểm toán năm 2024 tiếp tục ghi nhận lỗ.
Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của SMC đạt 4.511 tỷ đồng, giảm 27% so với đầu năm. Trong đó, công ty ghi nhận khoản nợ xấu lên tới 1.289 tỷ đồng tại nhiều đối tác như Công ty TNHH Delta - Valley Bình Thuận, Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley, Công ty TNHH The Forest City (thuộc hệ sinh thái Novaland), Công ty TNHH Thành phố Aqua, CTCP Hưng Thịnh Incons... Điều này khiến công ty từng trích lập tới 663 tỷ đồng dự phòng nợ xấu liên quan đến các khoản phải thu.
Tuy nhiên, việc giảm trích lập dự phòng trong báo cáo mới công bố cho thấy khả năng SMC đã thu hồi được một phần công nợ, hoặc có thêm thông tin tích cực liên quan đến các khoản phải thu.
![]() |
SMC ghi nhận 1.289 tỷ đồng nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2024 |
Trước đây, SMC từng là doanh nghiệp buôn thép hàng đầu Việt Nam, với doanh thu thuần đạt đỉnh 21.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 901 tỷ đồng vào năm 2021. Tuy nhiên, từ năm 2022, hoạt động kinh doanh sa sút do giá thép giảm mạnh và tình trạng khó thu hồi công nợ, đặc biệt từ các doanh nghiệp xây dựng và bất động sản gặp khó khăn thanh khoản.
Đánh giá về thị trường năm 2024, SMC cho biết ngành thép trong và ngoài nước vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Giá thép và nhu cầu tiêu thụ liên tục giảm, trong khi ngành bất động sản trong nước chưa phục hồi, tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Để đối phó, SMC cho biết sẽ tập trung các giải pháp kinh doanh, đẩy mạnh thu hồi nợ xấu và tiếp tục nghiên cứu tái cấu trúc doanh nghiệp trong thời gian tới nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động trong năm 2025.
Theo kế hoạch công bố trước thềm Đại hội đồng cổ đông thường niên dự kiến tổ chức ngày 26/4 tại Bà Rịa - Vũng Tàu, SMC đặt mục tiêu tiêu thụ 620.000 tấn thép các loại và kỳ vọng đạt lợi nhuận ròng 30 tỷ đồng trong năm 2025.