Đại gia dệt may Hàn Quốc xây nhà máy sản xuất vải lông nhân tạo gần 140 tỷ đồng tại Ninh Thuận
Dự án nhà máy sản xuất lông nhân tạo này được cấp chứng nhận đầu tư vào giữa tháng 10/2024, đặt tại Khu công nghiệp (KCN) Du Long, Ninh Thuận.
Ngày 28/11/2024, ông Sử Đình Vinh, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Ninh Thuận, đã trao Giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy sản xuất vải lông nhân tạo Ninh Thuận cho ông Shim Do Yoon, đại diện pháp luật của Công ty TNHH DM Textile.
Dự án này được cấp chứng nhận đầu tư vào giữa tháng 10/2024 với tổng vốn đầu tư 139,7 tỷ đồng, đặt tại Khu công nghiệp (KCN) Du Long thuộc xã Bắc Phong và xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc. Đây là dự án có vốn đầu tư 100% nước ngoài (FDI), áp dụng công nghệ sản xuất vải dệt và vải lông tiên tiến, thân thiện với môi trường.
Dự án không chỉ góp phần nâng cao ngành dệt may của tỉnh, giải quyết các nút thắt về dệt và nhuộm, mà còn giúp nâng cao vị thế của tỉnh Ninh Thuận và Việt Nam trên thị trường quốc tế. Ở giai đoạn đầu, nhà máy dự kiến đạt công suất 4,5 triệu m2 vải mỗi năm, tạo việc làm cho gần 200 lao động địa phương, góp phần tăng thu nhập và phát triển kỹ năng cho người lao động.
Dự án nhà máy sản xuất vải lông nhân tạo Ninh Thuận sẽ được triển khai trên diện tích hơn 28.400m2. Dự kiến, giai đoạn đầu của dự án sẽ được khởi công vào tháng 11/2024 và hoàn thiện cơ bản các công trình xây dựng, lắp đặt thiết bị vào tháng 2/2025. Đến tháng 5/2025, nhà máy sẽ chính thức đi vào hoạt động. Giai đoạn hai của dự án sẽ tập trung hoàn thiện và mở rộng công suất sản xuất.
>> Một doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư 2 tỷ USD sản xuất hydro tại Ninh Thuận 

Dự án này sử dụng công nghệ tiên tiến từ Daewon Co., Ltd (Hàn Quốc), công ty mẹ của Donglim Co., Ltd, một doanh nghiệp sản xuất vải lông nhân tạo với hơn 35 năm kinh nghiệm. Đồng thời, hai cổ đông chiến lược là MN Inter-Fashion Ltd (Nhật Bản), liên danh giữa Nippon Steel và Mitsui Busan I-Fashion, cùng Paraivi Enterprises V1 LLC (Mỹ) sẽ mang lại lợi thế lớn về tầm ảnh hưởng và thị trường. Những nhà đầu tư này sẽ giúp công ty dễ dàng thâm nhập và phân phối sản phẩm tại các thị trường quan trọng như Mỹ và châu Âu.
Trong hai năm qua, KCN Du Long đã thu hút hơn 2.560 tỷ đồng vốn đầu tư, bao gồm 1.160 tỷ đồng từ nguồn FDI, dẫn đầu tỉnh Ninh Thuận về thu hút vốn. Cùng với KCN Thành Hải, đây là hai điểm sáng trong hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh. KCN Thành Hải, được thành lập vào năm 2015, đã thu hút 2.622 tỷ đồng với gần 22 dự án đăng ký sau gần một thập kỷ hoạt động.
Hiện nay, cả hai KCN này đều đã hoàn thiện các công trình xử lý nước thải tập trung và lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động. Công suất xử lý nước thải tại KCN Thành Hải đạt 1.400 m³/ngày đêm, trong khi tại KCN Du Long là 3.000 m3/ngày đêm. Đây là cơ sở quan trọng để tiếp nhận các dự án lớn trong tương lai.
Trong thời gian qua, Ninh Thuận đã tích cực thực hiện các chính sách mời gọi đầu tư, cam kết cải thiện môi trường kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp. Chính quyền tỉnh khẳng định sẽ đồng hành cùng nhà đầu tư, đảm bảo quyền lợi tốt nhất và khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển của địa phương trong thời gian tới.
Sáp nhập thêm một thị xã, TP. Vinh lần đầu tiên trong lịch sử hình thành đô thị biển 
Tỉnh 'sát vách' TP. HCM sắp đầu tư thêm khu công nghiệp quy mô 1.000ha