Đại gia Đường 'bia' kể khó khi làm NƠXH tại Hà Nội: Một dự án có 100 ngày là phải cấp thủ tục nhưng bị kéo dài đến 5 năm
Theo đại gia Đường “bia”, từ năm 2014 đến nay, TP. Hà Nội vẫn chưa thực hiện việc bố trí ngân sách để đáp ứng các yêu cầu này.
Mới đây, tại tọa đàm do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình (thường được biết đến với biệt danh đại gia Đường "bia") đã nêu ý kiến về những khó khăn cần tháo gỡ trong quá trình phát triển nhà ở xã hội  (NƠXH).
Theo ông Đường, Luật Nhà ở 2014 từng quy định rõ UBND các tỉnh, thành phố phải bố trí ngân sách hàng năm để giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng và tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, ông cho biết, từ năm 2014 đến nay, TP. Hà Nội vẫn chưa thực hiện việc bố trí ngân sách để đáp ứng các yêu cầu này. Điều này đã gây ra những khó khăn và trở ngại lớn trong việc triển khai các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn.
Nguyễn Hữu Đường (đại gia Đường "bia"). Nguồn ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp |
"Chính vì thế nên đã 10 năm rồi mà Hà Nội chưa có một tòa nhà ở xã hội nào được chính quyền đấu thầu chủ đầu tư. Đa số những dự án làm nhà ở xã hội là do các doanh nghiệp tự đi xin, hoặc một số doanh nghiệp làm nhà ở thương mại thì có quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội, hoặc tại một số khu công nghiệp thì họ tự làm", vị này thông tin.
Cũng tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình, đã chia sẻ câu chuyện về hành trình thực hiện dự án nhà ở xã hội của doanh nghiệp tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội.
>> Hà Nội sắp xây dựng 3 khu công nghiệp, khoảng 33.000 người nhận cơ hội lớn 
Theo ông Đường, vào ngày 30/12/2021, doanh nghiệp đã nộp hồ sơ xin thực hiện dự án nhà ở xã hội trên khu đất rộng 3.500m2 tại địa phương này. Ngay sau đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội đã ra phiếu hẹn trả kết quả công nhận chủ đầu tư vào ngày 22/2/2022.
Tuy nhiên, đến tháng 5/2022, khi trình UBND TP. Hà Nội xin cấp chủ trương đầu tư, thành phố thông báo rằng Hà Nội đã có kế hoạch xây dựng 5 khu nhà ở xã hội tập trung. Theo chính sách này, thành phố sẽ không cấp phép cho các dự án riêng lẻ trong nội thành.
TP. Hà Nội còn cho biết, các khu đất nằm trong nội thành, đặc biệt là những khu đất được coi là "đất vàng", sẽ không được sử dụng để xây dựng nhà ở xã hội. Thay vào đó, thành phố dự kiến thu tiền sử dụng đất hoặc bán các khu đất này cho các đối tượng có tiềm lực tài chính mạnh.
Đáng nói, dù đã trải qua 3 năm cùng 11 lần lấy ý kiến và xem xét lại các thủ tục liên quan, đến nay dự án vẫn chưa được cấp phép, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong triển khai kế hoạch.
Nguồn ảnh: Chuyên trang Thủ đô Hà Nội |
Đại gia Đường “bia” chia sẻ: "10 năm nay, phải thông cảm với Hà Nội bởi không có tiền để giải phóng mặt bằng. Mặt khác, cũng phải thông cảm với thành phố bởi trên thực tế, nếu cấp nhà ở xã hội cho tôi làm thì các doanh nghiệp khác ở Hà Nội cũng xin làm nhà ở xã hội, dẫn đến không thu được tiền. Từ năm 2021, Hà Nội đã có kế hoạch bán đấu giá đất thu về 174.000 tỷ đồng, song bây giờ mới thu được khoảng 57%, trong khi chỉ còn 1 năm nữa của nhiệm kỳ. Đây là thực tế rất khó khăn".
Hai năm trước, Tập đoàn Hòa Bình đã gửi kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội, đề xuất yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tuân thủ quy định về bố trí ngân sách để giải phóng mặt bằng và tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH).
Trong trường hợp ngân sách địa phương không đủ để giải phóng mặt bằng, tập đoàn đề xuất cho phép doanh nghiệp ứng trước chi phí này để triển khai dự án. Sau đó, Nhà nước có thể dùng tiền thuế từ người mua nhà để hoàn lại cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đề xuất này đã không được thực hiện.
Sau khi tìm hiểu, ông Nguyễn Hữu Đường cho biết, theo kế hoạch phát triển NƠXH của Hà Nội giai đoạn 2021-2025, thành phố dự kiến xây dựng 5 khu NƠXH tập trung với tổng chi phí giải phóng mặt bằng lên tới 12.350 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân sách được duyệt chỉ là 47 tỷ đồng, số tiền này chỉ đủ cho các công tác giấy tờ như đo đạc, lập hồ sơ, bản vẽ,…
Vì vậy, trong 5 năm này, TP. Hà Nội chưa có bất kỳ dự án NƠXH nào được triển khai từ nguồn ngân sách Nhà nước. Đồng thời, từ năm 2021 đến nay, thành phố cũng chưa cấp phép cho doanh nghiệp thực hiện bất kỳ dự án NƠXH nào.
Trước những bất cập này, Tập đoàn Hòa Bình tiếp tục kiến nghị Quốc hội cần bổ sung các điều luật với quy định chặt chẽ về chế tài, xử lý trách nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo được giao nhiệm vụ giải quyết nhưng không thực hiện đúng quy định.
"Như thế thì việc thực hiện thủ tục sẽ rất nhanh. Chứ không phải một dự án có khoảng 100 ngày là phải cấp thủ tục nhưng lại bị kéo dài đến 5 năm. Đối với doanh nghiệp thì quan trọng là thời gian. Chúng tôi chỉ mong cán bộ thực hiện theo đúng các quy định của luật", ông Đường bày tỏ.
>> Điều chỉnh quy hoạch TP. Biên Hòa, các dự án của Nam Long, Novaland đón tin vui 
3 huyện tại Hà Nội sắp có thêm 12.000 căn nhà ở xã hội 
Muốn mua nhà ở xã hội khoảng 1 tỷ đồng, mỗi tháng phải để được 5-7 triệu