Đại gia Nguyễn Cao Trí vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm vụ Vạn Thịnh Phát
Ngoài vụ Vạn Thịnh Phát, ông Nguyễn Cao Trí hiện còn bị đề nghị truy tố về tội đưa hối lộ trong vụ án sai phạm tại dự án Đại Ninh mà Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra.
Ngày 4/11, TAND Cấp cao tại TP. HCM xét xử phúc thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát, giai đoạn 1, dự kiến kéo dài đến ngày 25/11. Phiên tòa được xét xử trực tiếp tại trụ sở TAND Cấp cao tại TP. HCM kết hợp trực tuyến với đầu cầu ở Trại tạm giam T30.
Tại phần thủ tục, thư ký phiên tòa cho biết phiên tòa có 46/48 bị cáo có đơn kháng cáo có mặt tại tòa. Trong đó, 16 bị cáo có mặt tại phòng xét xử của TAND Cấp cao tại TP. HCM; 30 bị cáo có mặt tại hội trường của Trại tạm giam T30 (huyện Củ Chi, TP. HCM). 1 trong 2 bị cáo có đơn kháng cáo nhưng xin xét xử vắng mặt vì lý do sức khoẻ là Nguyễn Cao Trí (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang, Tập đoàn Capella).
Trước đó, ông Trí bị TAND TP. HCM xét xử sơ thẩm tuyên phạt 8 năm tù về tội "Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và yêu cầu thu hồi 1.000 tỷ đồng cho bà Lan. Trước phiên tòa phúc thẩm, ông Trí và gia đình đã hoàn trả đủ 1.000 tỷ đồng bị cáo buộc chiếm đoạt của bà Trương Mỹ Lan.
Theo bản án, ông Nguyễn Cao Trí đã nhiều lần nhận tổng số tiền 1.000 tỷ đồng của bà Trương Mỹ Lan cho 3 mục đích, gồm: chuyển nhượng 31,22% vốn điều lệ CTCP Cao su Công nghiệp do ông Trí đứng tên sở hữu, chuyển nhượng vốn điều lệ CTCP Sài Gòn Đại Ninh và đầu tư dự án tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh.
Ngày 7/10/2022, bà Lan bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngày 21 và 22/10/2022, ông Nguyễn Cao Trí đã chỉ đạo cấp dưới soạn thảo các văn bản thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư 31,22% vốn điều lệ Công ty Cao su Công nghiệp, điều chỉnh giá và thanh lý hợp đồng chuyển nhượng 10% vốn điều lệ tại Công ty Văn Lang.
Tiếp đó, ông Trí hẹn gặp và yêu cầu Hồ Quốc Minh (người đứng tên sở hữu cổ phần cho bà Trương Mỹ Lan) ký hồ sơ thanh lý hợp đồng đã soạn trước. Sau đó, người này đưa hồ sơ yêu cầu nhân viên hoàn thiện các thủ tục thanh lý hợp đồng, ghi lùi ngày trong văn bản.
HĐXX nhận định ông Trí có ý chí chiếm đoạt tới cùng số tiền của bà Lan.
Bị cáo Nguyễn Cao Trí xuất hiện trong phiên tòa sơ thẩm (Nguồn: Báo Tuổi Trẻ) |
Ông Nguyễn Cao Trí đang là bị can của Vụ dự án Đại Ninh
Ngoài vụ án này, ông Nguyễn Cao Trí hiện còn bị đề nghị truy tố về tội đưa hối lộ trong vụ án sai phạm tại dự án Đại Ninh mà Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra.
Theo kết luận điều tra vụ án, khi biết dự án Đại Ninh bị Thanh tra Chính phủ kiến nghị chấm dứt hoạt động, thu hồi đất, Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Đầu tư và Quản lý Giáo dục Văn Lang đã thỏa thuận mua lại dự án này với ý định dùng mối quan hệ để "bẻ lái" quyết định của cơ quan chức năng, nhằm cứu dự án khỏi bị thu hồi đất.
CQĐT xác định, đại gia Nguyễn Cao Trí đã lợi dụng mối quan hệ, dùng tiền, lợi ích vật chất để móc nối, câu kết với các cá nhân có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan quản lý Nhà nước (Văn phòng Chính phủ, TTCP, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Lâm Đồng), thực hiện hành vi thay đổi, điều chỉnh trái pháp luật các quyết định đúng đắn của Nhà nước trong việc xử lý sai phạm, thu hồi Dự án Đại Ninh, nhằm mục đích mua bán, chuyển nhượng dự án để trục lợi.
Cụ thể, Nguyễn Cao Trí có mối quan hệ thân thiết với ông Trần Văn Minh (cố Phó Tổng TTCP) do học cùng lớp Nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Kinh tế TP. HCM. Sau khi biết ông Minh là người ký kết luận, kiến nghị thu hồi dự án Đại Ninh, ông Trí gặp ông Minh trao đổi về việc muốn mua lại dự án và nhờ xem xét cho gia hạn dự án. Theo lời khai của ông Trí, ông Minh đồng ý giúp và hướng dẫn làm đơn của Công ty SGĐN gửi lãnh đạo Chính phủ để TTCP có căn cứ giải quyết. Ngoài ra, ông Minh còn cho ông Trí biết đã chỉ đạo Lê Quốc Khanh, Tổ trưởng tổ xác minh đơn ủng hộ Trí gia hạn dự án và cho cho số điện thoại của Khanh để Trí liên hệ làm việc.
Ngày 4/10/2020, ông Trí đã đến Hà Nội gặp ông Mai Tiến Dũng tại trụ sở Văn phòng Chính phủ để nói chuyện về việc mua lại Dự án Đại Ninh, dù dự án này đã bị kiến nghị thu hồi theo kết luận của Thanh tra. Tại đây, ông Trí đã đưa đơn kiến nghị và nhờ ông Dũng bút phê giao cho Vụ I tham mưu, báo cáo lãnh đạo Chính phủ để chuyển đơn của Công ty Sài Gòn Đại Ninh cho TTCP giải quyết.
Sau đó, ông Mai Tiến Dũng đã bút phê “chuyển Vụ I” vào Đơn của Công ty SGĐN và giao bà Trần Bích Ngọc, Vụ trưởng Vụ I báo cáo đề xuất. Đến ngày 12/10/2020, VPCP đã gửi công văn chỉ đạo tới TTCP với nội dung “...VPCP chuyển đơn kiến nghị của Công ty SGĐN đến Thanh tra Chính phủ để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật và trả lời doanh nghiệp”.
Tuy nhiên, do đơn của Công ty SGĐN chưa được TTCP giải quyết, Trí được ông Trần Văn Minh hướng dẫn tiếp tục làm đơn gửi VPCP, xin ý kiến lãnh đạo Chính phủ theo hướng giao TTCP kiểm tra, rà soát, giải quyết đơn một cách mạnh mẽ hơn để TTCP có cơ sở thực hiện.
Ông Mai Tiến Dũng tiếp tục bút phê văn bản và qua nhiều khâu xử lý của các cán bộ thuộc các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan tới vụ án đã giúp cho Nguyễn Cao Trí đạt được mục đích thay đổi KLTT số 929 từ "Chấm dứt hoạt động, thu hồi đất của dự án" thành "Không thu hồi, cho giãn tiến độ và tiếp tục thực hiện dự án".
Sau khi đó, ông Trí đã bán dự án cho Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Thiên Vương với giá 27.600 tỷ đồng. CQĐT xác định Nguyễn Cao Trí đã thu lợi 2.700 tỷ đồng.
>> ‘Phù phép’ pháp lý dự án Đại Ninh, đại gia Nguyễn Cao Trí thu lợi 2.700 tỷ đồng
Vụ Vạn Thịnh Phát: Danh sách chi tiết bị hại và số tiền được bồi hoàn 
Vụ trái phiếu Vạn Thịnh Phát: Phán quyết nào cho 6.000 bị hại có yêu cầu bồi thường?