'Đại gia' Singapore đề xuất đầu tư 2 dự án điện gió tổng công suất 200MW tại ‘xứ sở sương mù’ của Việt Nam
Đề xuất này đánh dấu một tín hiệu tích cực cho thấy sức hút ngày càng lớn của địa phương trong bản đồ năng lượng sạch khu vực.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Lâm Đồng, Công ty Evision Enegry Singapore PTE.LTD (EES - thuộc Tập đoàn Envision Energy) đã có văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị nghiên cứu khảo sát, lắp cột đo gió tại dự án Nhà máy điện gió Tà Năng và Đà Quyn (huyện Đức Trọng). Đồng thời, công ty mong muốn lập hồ sơ bổ sung quy hoạch vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh các dự án nêu trên sau khi có chủ trương, hướng dẫn của Bộ Công Thương.
EES là doanh nghiệp chuyên phụ trách đầu tư, quản lý và phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Trên cơ sở các thông tin đã nghiên cứu, khảo sát thực tế, công ty mong muốn đầu tư 2 nhà máy điện gió này.

Trong đó, Nhà máy điện gió Tà Năng có quy mô công suất 100MW, đặt tại xã Tà Năng và Đà Quyn. Dự án này dự kiến xây dựng trạm biến áp 220kV tại nhà máy điện gió Tà Năng cùng đường dây 220kV dài gần 30km, đấu nối vào trạm biến áp 220kV Đức Trọng.
Nhà máy điện gió Đà Quyn cũng có quy mô công suất 100MW, đặt tại xã Đà Quyn. Giải pháp đấu nối dự kiến xây dựng trạm biến áp 220kV tại nhà máy cùng đường dây 220kV dài khoảng 8,8km, đấu nối vào đường dây 220kV Tuy Hòa - Nhà máy điện gió Tà Năng.
Lâm Đồng là địa phương giàu tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo, gồm điện gió và điện mặt trời. Tốc độ gió ở huyện Đức Trọng ổn định, bình quân 7-9m/s. Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 (tầm nhìn đến năm 2050), tổng công suất tiềm năng được phân bổ về điện gió của khu vực là 2.121MW.
Được biết, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 4 dự án nhà máy điện gió đã được cấp chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, gồm: Nhà máy điện gió Cầu Đất, Nhà máy điện gió Đức Trọng, Nhà máy điện gió Xuân Trường I và Xuân Trường II. Trong đó, dự án Nhà máy điện gió Cầu Đất do Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Đại Dương làm chủ đầu tư, quy mô công suất giai đoạn 1 là 68,9MW, giai đoạn 2 là từ 100-300MW, đã hoàn tất các hạng mục đầu tư, hòa lưới điện thành công.
Hiện nay, đề xuất của EES đang được các Sở, Ngành chức năng của tỉnh Lâm Đồng nghiên cứu, xem xét các yếu tố về quy hoạch, môi trường và khả năng kết nối hạ tầng điện để đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển năng lượng quốc gia và quy hoạch địa phương. Nếu được chấp thuận, đây sẽ là một trong những dự án điện gió đầu tiên có mặt tại huyện Đức Trọng, mở ra cánh cửa mới cho lĩnh vực năng lượng tái tạo của tỉnh Lâm Đồng.
Tỉnh Lâm Đồng nổi tiếng với khí hậu mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và những điểm du lịch hấp dẫn. Được mệnh danh là "xứ sở sương mù" của Việt Nam, địa phương này là nơi lý tưởng để bạn trốn khỏi cái nắng oi bức của mùa hè.