Dân Trung Quốc phớt lờ cảnh báo an ninh, đổ xô đến châu Phi do 'cơn sốt vàng'
Trước cảnh báo an ninh từ đại sứ quán Trung Quốc, hàng loạt công dân nước này vẫn đổ về miền đông bất ổn của Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) để săn lùng vàng và khoáng sản quý.
Đại sứ quán Trung Quốc tại DRC (Cộng hòa Dân chủ Congo) - quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên  - đã cảnh báo người dân và doanh nghiệp Trung Quốc tránh xa khu vực miền Đông vì tình hình an ninh ngày càng nguy hiểm. “Rủi ro an ninh đối với công dân Trung Quốc ở DRC vẫn rất cao,” đại sứ quán nhấn mạnh trong 1 thông báo vào đầu tháng 1. “Chúng tôi yêu cầu công dân và doanh nghiệp Trung Quốc tại đây khẩn trương sơ tán hoặc di chuyển đến các khu vực an toàn”.
Tuy nhiên, những lời cảnh báo này không ngăn được làn sóng người Trung Quốc bị hấp dẫn bởi trữ lượng vàng, thiếc, vonfram, tantali và các khoáng sản quý khác ở vùng đất bị chiến tranh tàn phá.
Theo nhà nghiên cứu Eric Mikalano, hầu hết người Trung Quốc đến Nam Kivu - một tỉnh có nguy cơ cao được đại sứ quán nêu rõ - đều nhận được sự bảo trợ từ các chính trị gia địa phương. “Họ được thông tin rõ ràng về tình hình an ninh, tiềm năng khai thác và các thủ tục cần thiết trước khi đến đây", ông Mikalano, thư ký điều hành Sáng kiến Quản trị Tài nguyên Thiên nhiên tại thủ phủ Bukavu, cho biết.
"Cơn sốt vàng " nổ ra trong bối cảnh giá vàng tăng vọt, kéo dài đà tăng từ năm ngoái. Hiện tại, giá vàng đã vượt mốc 2.600 USD/ounce, tăng mạnh từ mức khoảng 2.000 USD vào cuối năm 2023, khi các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn giữa tình trạng bất ổn địa chính trị leo thang.
Paul Nantulya, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Châu Phi thuộc Đại học Quốc phòng Mỹ, nhận định rằng nhiều công ty Trung Quốc tại DRC hoạt động dưới sự chỉ đạo của các doanh nghiệp nhà nước, nhưng cũng có không ít công ty tự vận hành. “Tất cả đều xoay quanh bài toán rủi ro, lợi ích và các chính sách trợ cấp công nghiệp từ chính phủ Trung Quốc,” ông Nantulya cho hay.
Theo ông, nhận thức về rủi ro của các doanh nghiệp Trung Quốc ở miền đông DRC khác hẳn các đối tác phương Tây. Người Trung Quốc thường bắt đầu bằng việc đánh giá tiềm năng lợi nhuận. Một khi lợi ích được khẳng định, không điều gì có thể ngăn cản họ triển khai dự án.
“Đây là lý do các doanh nghiệp Trung Quốc thường vượt mặt đối tác phương Tây trong những dự án tại các khu vực bất ổn của thế giới đang phát triển. Họ táo bạo bởi lợi nhuận quá hấp dẫn", ông Nantulya nhấn mạnh.
Mặc dù có thể đổi đời nếu may mắn tìm được khoáng sản quý, việc đổ xô đến miền Đông bất ổn của Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) không phải lúc nào cũng mang lại kết quả tích cực. Rủi ro bao gồm việc bị truy tố, như trường hợp ba người Trung Quốc bị tòa án Bukavu kết án 7 năm tù và phạt 600.000 USD vì khai thác và rửa tiền bất hợp pháp.
Ba cá nhân này bị bắt vào ngày 4/1 với 10 thỏi vàng và 400.000 USD tiền mặt. Ngoài cáo buộc rửa tiền, họ còn bị kết tội mua bán và tàng trữ khoáng sản trái phép. Tuy nhiên, trong một vụ án khác liên quan đến 17 công dân Trung Quốc bị cáo buộc điều hành một mỏ vàng bất hợp pháp, các bị cáo đã được thả sau khi chính quyền trung ương ở Kinshasa can thiệp.
Jean Purusi, thống đốc Nam Kivu, cho biết ông phải tuân theo các quyết định từ chính quyền quốc gia liên quan đến chính sách khai thác tài nguyên. Theo nhà nghiên cứu Joseph Cihunda từ tổ chức Southern Africa Resource Watch, nhiều công dân Trung Quốc tham gia khai thác bất hợp pháp nhờ sự hỗ trợ từ các quan chức chính trị hoặc quân sự ở cả cấp địa phương lẫn quốc gia.
Đến nay, không ít công ty Trung Quốc đang trả giá đắt cho các khoản đầu tư của mình. Khu vực đông DRC đã chìm trong bạo lực và bất ổn suốt ba thập kỷ qua, với hàng loạt vụ bắt cóc nhắm vào cả công nhân Trung Quốc và người Congo. Các nạn nhân thường bị nhắm đến do sự liên quan đến tài sản và giàu có, theo Paul Nantulya, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Châu Phi. 
“Trước những năm 1990, các vụ bắt cóc đòi tiền chuộc chủ yếu nhắm vào người Mỹ và châu Âu. Nhưng giờ đây, công dân và công ty Trung Quốc đã trở thành mục tiêu chính,” ông Nantulya giải thích.
Các vụ tấn công có vũ trang cũng gia tăng, như cuộc đột kích vào một công ty khai thác vàng tư nhân của Trung Quốc ở đông bắc DRC vào tháng 7 năm ngoái khiến nhiều người thiệt mạng hoặc mất tích.
Nhóm dân quân Codeco, một liên minh lỏng lẻo của các cộng đồng nông dân Lendu, được cho là đứng sau vụ việc này. Codeco là một trong số nhiều lực lượng dân quân tranh giành quyền lực và tài nguyên ở miền đông Congo, cùng với nhóm phiến quân M23 mà chính quyền Kinshasa cáo buộc được Rwanda hậu thuẫn – điều mà Kigali phủ nhận.
Không chỉ ở Congo, công dân Trung Quốc còn tìm kiếm vận may tại Ghana  - quốc gia Tây Phi cũng nổi tiếng với tài nguyên thiên nhiên như vàng, kim cương và các khoáng sản quý. Tại đây, “bà trùm” buôn lậu khoáng sản người Trung Quốc Aisha Huang, được mệnh danh là "Nữ hoàng Galamsey" sau những hoạt động khai thác trái phép, đã bị kết án vào năm 2023 với chỉ 4,5 năm tù và phạt 4.000 USD.
Cơn sốt tài nguyên hiện nay đang tiếp tục thúc đẩy sự hiện diện của người Trung Quốc tại các khu vực bất ổn ở châu Phi, nhưng đi kèm với đó là những rủi ro pháp lý và an ninh ngày càng cao.
Theo SCMP
>>‘Gã khổng lồ’ kim cương đối mặt với khủng hoảng thừa chưa từng có trong lịch sử