Danh tính loạt quầy thuốc có bán sản phẩm của đường dây thuốc giả trị giá gần 200 tỷ tại Thanh Hóa
Hơn 10 quầy thuốc và tài khoản Facebook tại Thanh Hóa đã bị phát hiện liên quan đến việc tiêu thụ thuốc tân dược giả quy mô lớn vừa bị phát hiện.
Thông tin do Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa công bố cho thấy, trong quá trình điều tra, lực lượng chức năng đã xác định nhiều quầy thuốc tại địa phương có liên quan đến hoạt động tiêu thụ dược phẩm giả. Cụ thể, các cơ sở vi phạm bao gồm: quầy thuốc Thuận Hương (thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh), quầy thuốc Đức Tín (phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa), quầy thuốc Bình Minh (chợ Nghè, huyện Hậu Lộc), quầy thuốc Thắng Hồng (xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa). Bên cạnh đó, các tài khoản Facebook như Nga Hoàng (xã Thiệu Hợp) và Trần Thu (huyện Thiệu Hóa) cũng bị phát hiện bán thuốc giả qua mạng.
Đáng chú ý, trong số 14 bị can bị khởi tố vì liên quan đến đường dây sản xuất – tiêu thụ thuốc giả, có 3 người là dược sĩ trung cấp tại Thanh Hóa, bao gồm: Dương Thị Oanh (SN 1992, trú phường Trường Thi), Phạm Thị Thảo (SN 1988, trú phường Đông Hải) và Phạm Thị Thu (SN 1993, trú phường Đông Vệ). Cả ba đều có chứng chỉ hành nghề dược và bị khởi tố với cáo buộc buôn bán thuốc giả.
![]() |
Một loại viên nang tang vật chứa thành phần giảm đau. Ảnh: Lam Sơn |
Trước đó, Công an Thanh Hóa đã phối hợp với các lực lượng chức năng triệt phá một đường dây sản xuất thuốc giả do Nguyễn Tiến Đạt (SN 1991, trú tại chung cư Hapulico, Thanh Xuân, Hà Nội) và Trịnh Doãn Giáo (SN 1985, trú quận Bình Tân, TP.HCM) cầm đầu. Lực lượng chức năng đã khám xét đồng loạt 6 địa điểm tại Hà Nội, TP.HCM, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, An Giang và Đồng Tháp – là nơi sản xuất, tàng trữ và phân phối thuốc giả.
Tang vật thu giữ bao gồm 21 loại thuốc tân dược giả, trong đó có nhiều sản phẩm giả danh thuốc điều trị xương khớp, với tổng khối lượng lên tới gần 10 tấn. Nhóm đối tượng không làm giả thương hiệu có sẵn, mà tự đặt tên thuốc, tên công ty “ảo” với địa chỉ ở các quốc gia như Malaysia, Singapore… để dễ dàng qua mặt người tiêu dùng và lực lượng chức năng.
Theo điều tra ban đầu, từ năm 2021 đến khi bị bắt, nhóm này đã đưa ra thị trường lượng thuốc giả trị giá gần 200 tỷ đồng, thông qua cả kênh trực tiếp lẫn bán hàng online. Đây được đánh giá là một trong những vụ án tân dược giả có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.
>> Bắt 4 chủ cơ sở sản xuất 3.500 tấn giá đỗ ngâm chất cấm tại Nghệ An
Gần 40.000 hộp thuốc giả tại Thanh Hóa đã đi đâu về đâu?
Phân biệt thuốc thật, thuốc giả nhờ công cụ giải mã của Bộ Y tế