Đặt mục tiêu lãi 500 triệu đồng, nhờ đâu Đường sắt Hà Nội (HRT) lãi khủng gần trăm tỷ đồng?
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Đường sắt Hà Nội (HRT) đạt hơn 1.895 tỷ đồng doanh thu thuần và 98 tỷ đồng lãi sau thuế.
CTCP Vận tải Đường sắt Hà Nội (HRT ) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2023  với mức lãi cao nhất từ trước đến nay.
Cụ thể, trong quý 3/2023, Đường sắt Hà Nội ghi nhận 637 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ. Nhờ giá vốn hàng bán giảm nhanh hơn doanh thu, qua đó lợi nhuận gộp tăng 40% lên gần 110 tỷ đồng. Biên lãi gộp cải thiện từ mức 12% cùng kỳ lên 17%.
Các khoản chi phí đã được tiết giảm hơn so với cùng kỳ. Cụ thể, chi phí tài chính (toàn bộ là chi phí lãi vay) giảm 5% còn 12 tỷ đồng; chi phí bán hàng khoảng 37 tỷ đồng, giảm 4% và chi phí quản lý doanh nghiệp gần 10 tỷ đồng, giảm 3%.
Kết quả, Vận tải Đường sắt Hà Nội lãi sau thuế hơn 54 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận hàng quý kỷ lục trong lịch sử hoạt động của Công ty.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Đường sắt Hà Nội đạt hơn 1.895 tỷ đồng doanh thu thuần và 98 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng tương ứng 9% và 178% so với cùng kỳ.
Năm 2023, Công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 2.517 tỷ đồng, lãi sau thuế dự kiến 500 triệu đồng. Sau 9 tháng, HRT thực hiện được 75% kế hoạch doanh thu nhưng vượt xa mục tiêu lợi nhuận năm.
Tuy nhiên, do trước đó kinh doanh gặp khó khăn và lỗ liên tục nhiều năm, doanh nghiệp vẫn đang gánh lỗ lũy kế hơn 285 tỷ đồng, tính tới cuối tháng 9/2023.
Tại thời điểm 30/09/2023, tổng tài sản của Vận tải Đường sắt Hà Nội là 1.334 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% so với đầu năm. Công ty đang có hơn 41 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn và 204 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn - là nguồn chính giúp công ty thu lãi tài chính.
Vừa qua, Đường sắt Hà Nội đã chính thức khai trương đôi tàu chất lượng cao  SE19/SE20 giữa Hà Nội - Đà Nẵng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch trong nước và quốc tế về chất lượng phương tiện và dịch vụ.
Đây không phải là dự án đầu tư mà chỉ là việc nâng cấp, tân trang đôi tàu SE19/SE20 để tạo ra thương hiệu, nhận diện riêng trên tuyến Hà Nội - Đà Nẵng như: Lựa chọn các toa xe chất lượng tốt để tân trang, sơn và dán thành vách bên trong tạo nên điểm nhấn của toa xe, sơn lại thành ngoài toa xe, thay mới chăn, ga, gối, rèm cửa sổ…
Đặc biệt, khoang giường nằm trên tàu SE19/SE20 được thiết kế sang trọng, ấm cúng. Hệ thống điều hòa được thiết kế, lắp đặt lại, có nút điều chỉnh cửa xả gió để chỉnh hướng, chỉnh to nhỏ tùy vào nhu cầu của từng hành khách.
Cùng với đó, toa xe hàng phục vụ ăn uống trên đôi tàu SE19/SE20 được thiết kế, lắp đặt lại nội thất để hành khách luôn cảm thấy thoải mái, thân thiện khi ngồi ăn uống, ngắm cảnh. Về chính sách giá vé, trước mắt, VNR vẫn giữ nguyên giá vé như hiện tại. Cụ thể, theo giá vé đầu tuần cao nhất 943.000 đồng, giá vé cuối tuần cao nhất 1.046.000 đồng. Tàu SE20 giá vé cao nhất 854.000 đồng.
Đây là nỗ lực bước đầu của ngành đường sắt nhằm thay đổi trải nghiệm di chuyển bằng đường sắt, thu hút hành khách trong bối cảnh vận tải hàng không có nhiều ưu thế vượt trội về thời gian di chuyển.
Tín hiệu mới từ dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng hơn 8 tỷ USD 
2 doanh nghiệp vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn kinh doanh ra sao trước khi hợp nhất?