Đấu giá “băng tần vàng” cho 5G; sắp chặn điện thoại 2G "cục gạch"... là những thông tin công nghệ trong nước nổi bật tuần qua.
Đấu giá “băng tần vàng” cho 5G
>> Samsung vững vàng ngôi vương trên thị trường TV toàn cầu 
Công ty Đấu giá Hợp danh Số 5 – Quốc gia vừa thông báo mời tham gia đấu giá quyền sử dụng tần số đối với khối băng tần B1 (2500 MHz - 2600 MHz).
Theo đó, giá khởi điểm của vòng đấu giá số 1 là 3.983.257.500.000 đồng (Ba nghìn chín trăm tám mươi ba tỷ, hai trăm năm mươi bảy triệu, năm trăm nghìn đồng). Giá khởi điểm của vòng đấu giá tiếp theo là giá trả cao nhất đã trả ở vòng đấu giá trước liền kề. Bước giá áp dụng tại cuộc đấu giá khối băng tần 2500 MHz - 2600 MHz là 50 tỷ đồng.
Khối băng tần 2500 MHz - 2600 MHz được quy hoạch để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT-Advanced và các phiên bản tiếp theo, sử dụng phương thức song công phân chia theo thời gian (TDD), theo Thông tư của Bộ trưởng Bộ TT&TT về Quy hoạch băng tần 2300-2400 MHz và băng tần 2500-2690 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT của Việt Nam.
Doanh nghiệp trúng đấu giá  được cấp giấy phép sử dụng băng tần với thời hạn 15 năm.
Điều kiện sử dụng băng tần áp dụng cho các doanh nghiệp được cấp phép sử dụng khối băng tần 2500 MHz -2600 MHz phải tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có liên quan về thiết bị thu phát vô tuyến điện, an toàn bức xạ vô tuyến điện và tương thích điện từ trường.
Doanh nghiệp phải phối hợp với tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép ở băng tần liền kề trong việc sử dụng tần số vô tuyến điện và phòng tránh nhiễu có hại.
Thời gian bán và tiếp nhận hồ sơ đăng ký đấu giá từ ngày 23/02/2024 đến 17h00 ngày 5/3/2024 (trong giờ hành chính).
Sắp chặn điện thoại 2G "cục gạch"
Theo thông tin từ Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), căn cứ chủ trương, định hướng dừng công nghệ di động 2G, phổ cập điện thoại thông minh, Bộ TT&TT và các doanh nghiệp viễn thông sẽ triển khai kiểm soát, ngăn chặn việc kết nối thiết bị 2G vào mạng viễn thông di động.
Cụ thể, từ ngày 1/3/2024, các máy điện thoại di động mặt đất 2G không chứng nhận hợp quy sẽ không được phép kết nối vào mạng di động.
Nhà mạng sẽ không cho phép nhập mạng mới các máy điện thoại di động chỉ hỗ trợ công nghệ 2G (2G Only), không thuộc Danh sách các máy điện thoại 2G được chứng nhận hợp quy do Bộ TT&TT công bố.
Cục Viễn thông cũng cho biết, để thực hiện chủ trương này, các doanh nghiệp viễn thông di động có trách nhiệm truyền thông rộng rãi tới khách hàng của mình, đồng thời công bố các đầu mối giải quyết khiếu nại.
Nếu có thắc mắc và khiếu nại về máy điện thoại 2G không được kết nối mạng, người dân cần gọi điện đến tổng đài chăm sóc khách hàng của nhà mạng để được hỗ trợ, hướng dẫn.
3 lỗ hổng bảo mật trong sản phẩm Microsoft đang bị tin tặc khai thác
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) vừa tiếp tục có cảnh báo về các lỗ hổng an toàn thông tin ảnh hưởng mức cao và nghiêm trọng trong sản phẩm Microsoft.
Đây là cảnh báo được cơ quan này định kỳ hàng tháng gửi tới các đơn vị chuyên trách CNTT, an toàn thông tin của các bộ, ngành, địa phương; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các ngân hàng, tổ chức tài chính.
Theo đó, các chuyên gia Cục An toàn thông tin khuyến nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đặc biệt lưu ý đến 9 lỗ hổng có ảnh hưởng mức cao và nghiêm trọng.
Trong đó, CVE-2024-21410 trong Microsoft Exchange Server là lỗ hổng được đánh giá có mức ảnh hưởng nghiêm trọng, cho phép đối tượng không cần xác thực, thực hiện tấn công leo thang đặc quyền.
2 lỗ hổng an toàn thông tin khác cũng có mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng, vừa được Cục An toàn thông tin khuyến nghị các đơn vị chú ý là CVE-2024-21413, CVE-2024-21378 trong phần mềm hỗ trợ quản lý thông tin Microsoft Outlook.
Văn bản cảnh báo tháng 2/2024 của Cục An toàn thông tin còn điểm ra 6 lỗ hổng an toàn thông tin khác.
Đề xuất cho đăng ký SIM online
Bộ TT&TT đang đề xuất việc cho phép người dùng đăng ký SIM online. Với SIM thứ 4 thuộc cùng một nhà mạng, chủ thuê bao phải thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu.
Chính sách về quản lý thông tin thuê bao là 1 trong 6 nhóm chính sách lớn thuộc dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Viễn thông (Nghị định) đang được Bộ TT&TT lấy ý kiến nhân dân.
Theo dự thảo Nghị định, việc đăng ký thông tin thuê bao sẽ được thực hiện theo các hình thức trực tiếp tại điểm do doanh nghiệp viễn thông thiết lập, trực tiếp tại điểm có địa chỉ xác định do doanh nghiệp khác thiết lập, được doanh nghiệp viễn thông ký hợp đồng  ủy quyền để thực hiện việc đăng ký thông tin thuê bao.
Đáng chú ý, trong dự thảo còn có quy định về hình thức đăng ký thông tin thuê bao thông qua các ứng dụng/website của doanh nghiệp viễn thông.
Đây được xếp vào loại hình thức đăng ký trực tuyến thông qua sử dụng phần mềm, ứng dụng do chính doanh nghiệp sở hữu, thống nhất.
Dự thảo Nghị định cũng quy định rõ, với mỗi mạng viễn thông, đối với 3 số thuê bao đầu tiên, cá nhân, tổ chức xuất trình giấy tờ và ký vào bản giấy hoặc bản điện tử bản xác nhận thông tin thuê bao.
Đối với số thuê bao thứ 4 trở lên, sẽ phải thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu với doanh nghiệp viễn thông di động tại điểm có địa chỉ xác định do doanh nghiệp viễn thông thiết lập.
Người dân sẽ được nộp thuế qua ứng dụng VNeID
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu Bộ Tài chính đôn đốc Tổng cục Thuế tích hợp thông tin người nộp thuế và triển khai nộp thuế trên ứng dụng VNeID.
Ý kiến chỉ đạo nêu trên là một nội dung trong thông báo được Văn phòng Chính phủ phát ra ngày 21/2, về kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại cuộc họp cuối tháng 1, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai ‘Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030’ (Đề án 06).
Theo thông báo kết luận, Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chỉ đạo, đôn đốc Tổng cục Thuế rà soát triển khai sử dụng tài khoản VNeID đăng nhập các dịch vụ công trực tuyến, thủ tục hành chính của ngành Thuế. Đồng thời, làm sạch dữ liệu  tài khoản người nộp thuế từ nay đến ngày 1/7.
Tại Chỉ thị 18 năm 2023 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, đảm bảo an ninh tiền tệ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành để tích hợp sử dụng tài khoản  định danh điện tử để kê khai, đăng ký nộp thuế trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia VNeID và các nền tảng khác do cơ quan thuế hướng dẫn; nghiên cứu, phát triển hoặc tích hợp ứng dụng cổng thanh toán, ví điện tử, các tiện ích khác trên ứng dụng VNeID để tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia các hoạt động thương mại điện tử...
>> VNPT lên phương án đảm bảo quyền lợi khách hàng khi tắt sóng 2G
VNPT báo lãi hơn 6.000 tỷ đồng trong năm 2024 
Viettel 'chốt' hợp đồng triệu USD đầu tiên tại triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024