Đề án kinh doanh tín chỉ carbon rừng tại Quảng Nam hiện ra sao?
Nhằm tạo nguồn tài chính để bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, phát triển rừng trồng, tạo sinh kế cho người dân miền núi theo hướng bền vững, UBND tỉnh Quảng Nam gửi văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép tỉnh tham gia dự án chi trả kết quả thực hiện REDD+.
Ngày 14/11, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Phó Chủ tịch Hồ Quang Bửu vừa ký văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đề xuất tham gia dự án chi trả dựa vào kết quả thực hiện REDD+ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Quảng Nam xếp thứ 2 cả nước về diện tích rừng, xếp thứ 6 về độ che phủ rừng. |
Theo tỉnh Quảng Nam, ngày 2/6/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1489/QĐ-UBND về phê duyệt Kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các-bon rừng (REDD+) tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2020 - 2030.
Năm 2021, UBND tỉnh đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ thống nhất về chủ trương cho phép tỉnh nghiên cứu, lập Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon  rừng từ REDD+ (viết tắt: Đề án thí điểm).
Đến nay, đề án thí điểm vẫn chưa được phê duyệt do một số rào cản về khung pháp lý, đóng góp NDC (đóng góp quốc gia tự quyết định - Nationally Determined Contribution), nguồn lực tài chính, quyền carbon, chia sẻ lợi ích... Tại Điều 17, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về lộ trình phát triển thị trường carbon trong nước đã xác định từ năm 2028, sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức cũng như quy định các hoạt động kết nối, trao đổi trong nước với thị trường các-bon khu vực và thế giới. Do đó, Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng của Quảng Nam chưa thể triển khai cho đến năm 2028.
Ngày 25/3, tỉnh Quảng Nam có công văn gửi Bộ NN&PTNT đề nghị bổ sung tỉnh tham gia dự án chi trả giảm phát thải khí nhà kính từ rừng tại 11 tỉnh vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên theo tiêu chuẩn TREES của ART do Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF) điều phối. Tuy nhiên, Cục Lâm nghiệp - Bộ NN&PTNT trả lời, việc bổ sung tỉnh Quảng Nam tham gia sáng kiến LEAF sẽ làm chậm đáng kể tiến trình đàm phán, ký kết và triển khai ERPA, ảnh hưởng đến tiến độ mà Thủ tướng Chính phủ giao. Bộ NN&PTNT sẽ tạo điều kiện để Quảng Nam có thể tiếp cận, tham gia dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon rừng với các đối tác trong thời gian tới.
Quảng Nam là tỉnh có diện tích rừng lớn so với cả nước. Theo quyết định của Bộ NN&PTNT, năm 2023 diện tích có rừng của Quảng Nam là 681.156 ha (xếp thứ 2 toàn quốc), độ che phủ rừng năm 2023 là 58,88% (xếp thứ 6 toàn quốc); trong đó: rừng tự nhiên 462.320 ha (xếp thứ 6 toàn quốc), rừng trồng 160.351 ha và rừng trồng chưa thành rừng 58.485 ha.
Thời gian qua, công tác quy hoạch và tổ chức thực hiện quản lý bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, phát triển rừng trên địa bàn được chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ, mang lại hiệu quả cao thông qua các chương trình, dự án của Trung ương, địa phương.
Tỉnh Quảng Nam đã kiện toàn lại hệ thống bảo vệ rừng nâng cao trách nhiệm của địa phương và chủ rừng; chuyển hình thức bảo vệ rừng từ giao khoán sang hợp đồng với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của các chủ rừng theo Nghị định của Chính phủ về Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, đây là mô hình đang hoạt động hiệu quả do triển khai bảo vệ rừng “tại gốc”.
Công tác Bảo tồn đa dạng sinh học được thực hiện có hiệu quả góp phần bảo tồn những giá trị tài nguyên thiên nhiên, tăng cường bảo vệ môi trường trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu thông qua nhiều nguồn lực trong đó có sự huy động hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, phi chính phủ.
Giai đoạn 2010-2020 và những năm đầu của giai đoạn 2021-2030, tình trạng vi phạm trong lâm nghiệp tại tỉnh đã được kiểm soát, hạn chế mất rừng và suy thoái rừng; thực hiện tốt công tác trồng rừng, phục hồi và làm giàu rừng, quản lý rừng bền vững, góp phần giảm phát thải, tăng hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đề xuất Dự án “chi trả kết quả thực hiện REDD+ trình Quỹ khí hậu xanh (GCF) tài trợ.
"Nhằm mục tiêu tạo nguồn tài chính để thực hiện bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên hiện có, phát triển rừng trồng, tạo sinh kế cho người dân miền núi theo hướng bền vững, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét, cho phép tỉnh Quảng Nam tham gia dự án chi trả kết quả thực hiện REDD+ nêu trên" - tỉnh Quảng Nam đề xuất.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, từ năm 2018, dự án Trường Sơn xanh do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ tài trợ đã giúp Quảng Nam nghiên cứu lịch sử diễn biến rừng trong 20 năm qua. Đánh giá của dự án cho thấy lượng tín chỉ carbon rừng khá lớn. Ước tính đến năm 2026, Quảng Nam sẽ tạo ra được 6,1 triệu tín chỉ carbon rừng cho giai đoạn 2018-2025. Nếu bán được tín chỉ carbon, mỗi năm tỉnh Quảng Nam có thể thu về hàng trăm tỉ đồng, tuy nhiên, sau hơn 3 năm được Chính phủ lựa chọn thí điểm, địa phương vẫn chưa thể triển khai vì cơ chế chính sách chưa rõ ràng.
>> Trồng lúa giảm phát thải lãi tăng 18 triệu/ha, chờ bán tín chỉ carbon 
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp cảnh báo thị trường tín chỉ carbon đang 'rất phức tạp' 
Trồng lúa giảm phát thải lãi tăng 18 triệu/ha, chờ bán tín chỉ carbon