Để lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm nhân thọ, cần làm những gì?

01-06-2023 01:11|Hải Liên

Bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm tốt cả ở khía cạnh kiểm soát rủi ro và sự an tâm cho tương lai, là sản phẩm hữu ích cho mỗi gia đình. Tuy nhiên, có rất nhiều việc cần phải làm để lành mạnh hóa thị trường này, để người dân hiểu đúng, tin tưởng và không cảm thấy mạo hiểm khi mua bảo hiểm.

Để lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm nhân thọ, cần làm những gì? - Ảnh 1.

Để lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm nhân thọ, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu 3 kiến nghị tới Bộ Tài chính, Bộ Công an và các công ty bảo hiểm - Ảnh: VGP

Phát biểu tại thảo luận về kinh tế-xã hội tại Quốc hội ngày 31/5, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nhấn mạnh, về bản chất bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm mang tính nhân văn cao, giúp hỗ trợ con người, giảm thiểu những mất mát, thiệt hại trước những rủi ro liên quan đến tính mạng, sức khỏe, ốm đau, bệnh tật.

Tuy nhiên, sau nhiều kiện cáo, bức xúc của khách hàng được đăng tải công khai thời gian vừa qua đã khiến cho dư luận không khỏi nghi ngại. Nhiều người đã vội vã kiểm tra lại hợp đồng của mình và không khỏi hoang mang. Nhiều người mang hợp đồng bảo hiểm đến công ty bảo hiểm hỏi, nhưng nhận được thông tin hoàn toàn khác với thông tin mà tư vấn viên đã cung cấp cho họ. Nhiều người đang có kế hoạch mua bảo hiểm nhân thọ đã tạm gác lại việc này với một sự cảnh giác cao.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy bày tỏ: "Cũng thật là buồn cho thị trường bảo hiểm trong nước khi mà vừa qua nhiều tờ báo đã đăng tải các bài để chỉ cách cho người dân tránh rủi ro khi mua bảo hiểm nhân thọ. Báo Thanh niên trung tuần tháng 4 vừa qua đã đăng loạt 6 bài về những bẫy ngầm trong hợp đồng bảo hiểm, cho thấy đã đến lúc cần nghiêm túc xem xét vấn đề này để những giá trị cốt lõi, nhân văn của bảo hiểm nhân thọ không bị ảnh hưởng bởi những đối tượng cố tình vi phạm để trục lợi".

Về hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, thông thường một bộ hợp đồng dày khoảng từ 70 đến 100 trang, là sản phẩm tài chính phức tạp với nhiều thuật ngữ chuyên ngành mà sự thua thiệt sẽ chủ yếu nằm về phía người mua, nếu gặp phải những tư vấn viên không có tâm. Ngay cả những chuyên gia tài chính, chuyên gia pháp luật không chuyên ngành bảo hiểm cũng gặp khó khăn trong tiếp cận, nhiều chuyên gia cho biết là chỉ hiểu khoảng độ 70% nội dung hợp đồng.

Hơn thế nữa, các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trong thời gian gần đây thường dưới dạng liên kết đầu tư, tức là một phần tiền của khách hàng được các hãng đưa vào các quỹ chứng khoán, trái phiếu, cho nên là càng phức tạp. Nhiều người chia sẻ là dù có đọc kỹ đến mấy thì cũng không thể hiểu nổi độ linh hoạt của các gói bảo hiểm, không thể hiểu nổi, nếu thanh lý hợp đồng sau 3 năm, 5 năm hay 10 năm thì sẽ nhận lại được bao nhiêu số tiền đã đóng.

Về đội ngũ tư vấn viên, đây là khâu mấu chốt dẫn đến nhiều kiện cáo tranh chấp vừa qua. Chính vì tính chất rất phức tạp của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, cho nên mới cần đến đội ngũ tư vấn viên. Tuy nhiên, không ít tư vấn viên thay vì tư vấn rõ bản chất của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là phòng ngừa rủi ro thì lại cố tình tư vấn mập mờ, thậm chí là sai lệch về sản phẩm bảo hiểm để nhanh chóng chốt đơn, ký được hợp đồng.

Theo quy định của Bộ Tài chính thì tỉ lệ hoa hồng tối đa mà tư vấn viên được hưởng lên tới 40% ở năm thứ nhất của hợp đồng và hiện nay thì các công ty bảo hiểm đang để dao động ở mức từ 30-40%.

Ví dụ như hợp đồng có mức đóng 100 triệu một năm, thì ngay sau khi khách đóng tiền, tư vấn viên sẽ được hưởng khoảng từ 30 đến 40 triệu ở năm đầu. Và để đạt được doanh số và nhận được khoản hoa hồng hậu hĩnh, không ít tư vấn viên đã cố tình tư vấn sai lệch khiến cho khách hàng lầm tưởng mình đang tham gia một sản phẩm đầu tư sinh lãi cao, vừa được bảo vệ sức khỏe vừa được đền bù nếu có chuyện không may xảy ra và khi kết thúc hợp đồng lại còn nhận được toàn bộ số tiền đã đóng cộng với lợi nhuận.

Về công ty bảo hiểm và các đại lý bảo hiểm, bên cạnh những công ty làm ăn uy tín thì thời gian vừa qua cũng phát sinh nhiều vấn đề. Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong năm 2022 qua thanh tra đã phát hiện 3.100 trường hợp đại lý bảo hiểm có sai phạm, trong đó có lỗi cố tình tuyên truyền sai về sản phẩm bảo hiểm.

Bên cạnh đó, dư luận cũng đặt câu hỏi là từ các vụ việc vừa qua thì có hay không việc công ty bảo hiểm biết nhưng cố tình bỏ qua lỗi của tư vấn viên của các đại lý bảo hiểm gây bất lợi cho khách hàng và các công ty bảo hiểm phải làm thế nào để khách hàng ngay kể cả khi không nhận được bảo hiểm cũng cảm thấy "tâm phục, khẩu phục", còn để cho khách hàng bức xúc vì cho rằng hợp đồng thì không rõ ràng, tư vấn thì thiếu trung thực là chưa đạt yêu cầu.

Nhấn mạnh, bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm tốt cả ở khía cạnh kiểm soát rủi ro và sự an tâm cho tương lai, là sản phẩm hữu ích cho mỗi gia đình, tuy nhiên, có rất nhiều việc cần phải làm để lành mạnh hóa thị trường này, để người dân hiểu đúng, tin tưởng và không cảm thấy mạo hiểm khi mua bảo hiểm, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đã nêu lên 3 kiến nghị.

Thứ nhất, kiến nghị Bộ Tài chính thanh tra toàn diện hoạt động bảo hiểm nhân thọ, trong đó tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư.

Thứ hai, kiến nghị Bộ Công an, từ các đơn tố cáo và dư luận phản ánh vừa qua cần xác minh làm rõ có hay không có dấu hiệu của tội lừa đảo hoặc tội lừa dối khách hàng, nếu có đề nghị khởi tố điều tra.

Thứ ba, kiến nghị các công ty bảo hiểm đã đến lúc cần rà soát lại toàn bộ các khâu của quá trình bảo hiểm, từ khâu thiết kế hợp đồng, khâu tư vấn bảo hiểm, khâu ký kết hợp đồng và khâu giải quyết khiếu nại của khách hàng. Chỉ khi thực sự minh bạch và thành tâm, người dân mới không quay lưng với bảo hiểm nhân thọ.

Bảo hiểm đã tạm ứng 471 tỷ đồng bồi thường thiệt hại sau bão Yagi

Nhà đầu tư ngoại 'đổ bộ' vào thị trường bảo hiểm phi nhân thọ

Bài thuộc chủ đề "Nóng" vấn đề Bảo hiểm
Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/de-lanh-manh-hoa-thi-truong-bao-hiem-nhan-tho-can-lam-nhung-gi-102230531162019475.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Để lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm nhân thọ, cần làm những gì?
    POWERED BY ONECMS & INTECH