Đề xuất 13 trường hợp phải giảm tốc độ khi tham gia giao thông từ năm sau
Theo dự thảo mới từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), có 13 tình huống người điều khiển phương tiện giao thông phải giảm tốc độ hoặc dừng lại để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, dự kiến áp dụng từ ngày 01/01/2025.
(TyGiaMoi.com) - Đề xuất 13 trường hợp buộc phải giảm tốc độ khi tham gia giao thông
Theo dự thảo  dự kiến có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, những người điều khiển phương tiện giao thông  đường bộ sẽ cần quan sát kỹ và giảm tốc độ hoặc dừng lại để đảm bảo an toàn trong 13 tình huống sau đây:
(1) Tại nơi có vạch kẻ đường hoặc báo hiệu khác dành cho người đi bộ hoặc tại nơi mà người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường;
(2) Có báo hiệu cảnh báo nguy hiểm hoặc có chướng ngại vật trên đường;
(3) Chuyển hướng xe chạy hoặc tầm nhìn bị hạn chế;
(4) Nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường bộ, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; đường hẹp, đường vòng, đường quanh co, đường đèo, dốc;
(5) Nơi cầu, cống hẹp, đập tràn, đường ngầm, hầm chui, hầm đường bộ;
(6) Khu vực có trường học, bệnh viện, bến xe, công trình công cộng tập trung đông người, khu vực đông dân cư, chợ, khu vực đang thi công trên đường bộ, hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ;
(7) Có vật nuôi đi trên đường hoặc chăn thả ở ven đường;
(8) Tránh xe đi ngược chiều hoặc khi cho xe đi phía sau vượt; khi có tín hiệu xin đường, tín hiệu khẩn cấp của xe đi cùng chiều phía trước;
(9) Điểm dừng xe, đỗ xe trên đường bộ có khách đang lên, xuống xe;
(10) Gặp xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, hàng hóa nguy hiểm; đoàn người đi bộ;
(11) Gặp xe ưu tiên;
(12) Điều kiện trời mưa, gió, sương, khói, bụi, mặt đường trơn trượt, lầy lội, có nhiều đất đá, vật liệu rơi vãi ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường bộ;
(13) Khu vực đang tổ chức kiểm soát giao thông đường bộ.
Theo Điều 5 dự thảo Thông tư quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.
(TyGiaMoi.com) - Quy định xử phạt vi phạm tốc độ giao thông
Mức phạt cho ô tô vi phạm tốc độ
Vượt quá tốc độ từ 5km/h đến dưới 10km/h: Người điều khiển  xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Vượt quá tốc độ từ 10km/h đến 20km/h: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng. Ngoài ra, tài xế vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng.
Vượt quá tốc độ từ 20km/h đến 35km/h: Mức phạt tiền sẽ từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng. Đồng thời, người vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng.
Vượt quá tốc độ trên 35km/h: Tài xế vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng và bị tước Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng.
Mức phạt cho mô tô, xe gắn máy vi phạm tốc độ
Vượt quá tốc độ từ 5km/h đến dưới 10km/h: Người điều khiển mô tô, xe gắn máy sẽ bị phạt từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.
Vượt quá tốc độ từ 10km/h đến 20km/h: Mức phạt dao động từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Vượt quá tốc độ trên 20km/h: Người điều khiển sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 đến 04 tháng.
Những mức phạt nhằm đảm bảo an toàn giao thông, nhắc nhở người tham gia giao thông tuân thủ đúng quy định về tốc độ trên các tuyến đường.
Bộ GTVT ấn định thời gian hoàn thành 'siêu sân bay' lớn nhất Việt Nam 
Bộ GTVT trả lời về đề xuất xây đường cất, hạ cánh số 2 sân bay Long Thành