Doanh nghiệp

Đề xuất giảm phí công đoàn cho doanh nghiệp có trên 3.000 lao động

Hoàng Ngân 26/10/2024 - 16:17

Một số đại biểu Quốc hội đã bày tỏ ý kiến về mức thu phí công đoàn 2%, vốn được duy trì từ năm 1957.

Trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) diễn ra sáng ngày 24/10, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ ý kiến về mức thu phí công đoàn 2%, vốn được duy trì từ năm 1957. Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH Hà Nội) cho rằng mức phí này đã không còn phù hợp trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, khi Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường, mức phí công đoàn cố định 2% dần trở nên bất hợp lý. Ông Trí nhận định, với số lượng doanh nghiệp lớn hiện nay, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân và FDI, việc duy trì mức phí 2% gây áp lực lớn đối với những doanh nghiệp có nhiều lao động. Ông đề xuất, doanh nghiệp dưới 500 lao động nên giữ mức phí 2%, trong khi doanh nghiệp từ 500 đến dưới 3.000 người đóng 1,5%, và các doanh nghiệp trên 3.000 lao động chỉ cần đóng 1% phí công đoàn.

Trái ngược với quan điểm của ông Trí, đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn ĐBQH Nghệ An) bày tỏ đồng tình với việc duy trì mức thu phí công đoàn 2%. Ông cho rằng nguồn kinh phí công đoàn, tồn tại hơn 60 năm qua, đã giúp chăm lo đời sống đoàn viên và người lao động. Nguồn kinh phí này chủ yếu được sử dụng tại các công đoàn cơ sở để hỗ trợ đoàn viên, như thăm hỏi, hỗ trợ ốm đau, tổ chức hoạt động văn hóa thể thao và các chế độ phúc lợi khác.

Đề xuất giảm phí công đoàn cho doanh nghiệp có trên 3.000 lao động
Đại biểu Trần Nhật Minh, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu ý kiến
Ảnh: VOV

>> Một doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm hơn 200 tháng

Ông Minh cũng lưu ý rằng, dự thảo luật đã bổ sung quy định miễn, giảm hoặc tạm dừng đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn. Do đó, trong các trường hợp doanh nghiệp được miễn giảm, công đoàn cấp trên vẫn sẽ hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi cho người lao động tại công đoàn cơ sở.

Phát biểu giải trình về vấn đề kinh phí công đoàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Nguyễn Đình Khang, cho biết, phần lớn các đại biểu đồng ý với mức thu phí 2%. Ông Khang nhấn mạnh, 75% kinh phí công đoàn được giữ lại tại công đoàn cơ sở để chăm lo cho đời sống người lao động, và nhiều doanh nghiệp đã áp dụng chế độ phúc lợi cao hơn cho người lao động.

Ông cũng cho biết, dự thảo luật đã thiết kế một điều khoản mới nhằm miễn, giảm hoặc tạm dừng đóng kinh phí công đoàn đối với những doanh nghiệp gặp khó khăn, bảo đảm linh hoạt và phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện tại.

Tuy nhiên, để duy trì các hoạt động của công đoàn và thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người lao động, ông Khang khẳng định rằng mức thu 2% vẫn là lựa chọn cần thiết và hợp lý.

>> Bộ Công Thương lên tiếng về đề xuất tái khởi động điện hạt nhân

2.400 lao động sẵn lòng theo công ty rời khỏi khu công nghiệp lâu đời nhất Việt Nam

Nhật Bản mở rộng diện thi lao động kỹ năng đặc định ở Việt Nam

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/de-xuat-giam-phi-cong-doan-cho-doanh-nghiep-co-tren-3000-lao-dong-256031.html
Bài liên quan
  • Tạo thu nhập ổn định cho gần 4.000 người lao động
    Trong những năm qua, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai đã thực hiện tốt các chỉ số về xã hội và môi trường, đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 4.000 người lao động. Tổng Công ty đã xây dựng thành công mô hình hệ sinh thái doanh nghiệp tiêu biểu của Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Đề xuất giảm phí công đoàn cho doanh nghiệp có trên 3.000 lao động
    POWERED BY ONECMS & INTECH